Tăng khả năng tiếp cận nguồn cung xăng nhập khẩu, ổn định thị trường trong nước

Trần Huyền

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 12%. Việc giảm thuế này sẽ giúp doanh nghiệp đầu mối tăng khả năng tiếp cận và đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu, qua đó, góp phần ổn định thị trường trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đề xuất giảm thuế MFN xuống còn 10%

Để đảm bảo tính kịp thời trong việc phát huy hiệu quả của giải pháp điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tách nội dung điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng để ban hành một Nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn để có thể áp dụng ngay, không chờ để điều chỉnh theo Nghị định chung về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, qua đó, đảm bảo tính kịp thời trong việc ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế MFN đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến trước đó là từ 20% xuống 12%.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để kịp thời phát huy hiệu quả của giải pháp điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN. Theo Bộ Tài chính, dự báo giá mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp, nguồn cung xăng dầu trên thị trường cũng đang tiềm ẩn rủi ro về khả năng thiếu hụt. Cùng với đó, sau khi Nghị định có hiệu lực thì các doanh nghiệp nhập khẩu xăng cũng cần phải có thời gian nhất định để tìm kiếm, đám phán, ký kết hợp đồng với các đối tác mới nên chính sách cũng cần có sự ổn định.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định thời hạn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng theo phương án nêu trên. Trường hợp thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất thường dẫn đến việc phải điều chỉnh lại mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính sẽ kịp thời báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh phù hợp.

Đa dạng hóa nguồn cung xăng nhập khẩu

Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là 20% như hiện hành đang có sự chênh lệch 12% đối với thuế suất FTA, nhập khẩu xăng dịch chuyển sang thị trường Hàn Quốc, ASEAN chiếm 99,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng năm 2021, dẫn đến lợi thế độc quyền về thị trường cung cấp từ Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Trong bối cảnh này, việc thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN cho mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 sẽ góp phần làm đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường trong nước từ các quốc gia khác ngoài ASEAN, Hàn Quốc (đang được hưởng thuế suất FTA) như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Trung Đông, Nam Mỹ... qua đó, giúp ổn định nguồn cung cho thị trường trong nước khi các nguồn cung từ các thị trường truyền thống bị gián đoạn hay có những biến động lớn, khó tiếp cận và nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước không đạt được mức sản lượng như dự kiến.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có thể tiếp cận nguồn cung xăng nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài ASEAN và Hàn Quốc, tạo điều kiện lựa chọn thị trường nhập khẩu phù hợp, có giá thành cạnh tranh nhất để cung ứng cho thị trường trong nước. Việc đa dạng hóa nguồn cung này sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước mở rộng nhà nhập khẩu, tránh được rủi ro trong việc đàm phán về giá và các điều khoản bất lợi khác khi chỉ nhập khẩu từ một số đối tác nhất định như hiện nay.

Trước đó, để góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn là 300 đồng/lít; mỡ nhờn là 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, qua đó, góp phần kịp thời giảm giá mặt hàng này, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.