Thống nhất đầu mối, cắt giảm nhiều thủ tục kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu


Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung cải cách sẽ góp phần cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: internet
Cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: internet

Thống nhất hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm

Một trong những nội dung cải cách trọng tâm trong Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là giao cơ quan hải quan làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Thực hiện kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm để thông quan.

Những cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay.

Cơ quan hải quan sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo việc điện tử hóa trình tự, thủ tục kiểm tra; Công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia danh mục các mặt hàng được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; Kết nối, chia sẻ thông tin để tạo thuận lợi cho các cơ quan trong việc phối hợp, triển khai nhiệm vụ liên quan.

Nội dung trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính “chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm".

Cắt giảm nhiều bước thủ tục so với quy trình hiện hành

Đề án còn tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc thống nhất đầu mối kiểm tra giúp cắt giảm nhiều bước thủ tục so với quy định hiện hành. Trong đó, đối với thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy, việc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng sẽ cắt giảm được 2/6 bước so với quy trình hiện tại. Thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy cũng cắt giảm được 3/10 bước so với quy trình hiện tại.

Trong kiểm tra an toàn thực phẩm với hàng hóa thuộc diện kiểm tra thông thường, việc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm cắt giảm được 2/5 bước so với quy trình hiện tại. Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt, mặc dù việc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm không cắt giảm được số bước thủ tục so với quy trình hiện tại song thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được đơn giản hóa do nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu về mức độ tuân thủ pháp luật của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan; Giúp doanh nghiệp chủ động, lựa chọn quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, việc thống nhất đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay khi nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa.

Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, những điểm cải cách nổi bật trong Đề án nếu được phê duyệt và thực hiện sẽ như một cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay.