Truyền thống 76 năm vẻ vang và hào hùng của ngành Tài chính Việt Nam


76 năm trước, ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngành Tài chính Việt Nam được thành lập. Để rồi từ đây, ngày này là một mốc son lịch sử vô cùng ý nghĩa, đánh dấu vai trò của một ngành kinh tế trọng điểm, then chốt, đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ngành Tài chính Việt Nam với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Ra đời trong bối cảnh chính quyền nhân dân non trẻ “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối diện với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, ngành Tài chính Việt Nam phải tiếp nhận một ngân khố quốc gia trống rỗng, chỉ có gần 2 triệu đồng bạc Đông Dương rách nát, chờ tiêu hủy. Hậu quả của gần một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, sự bóc lột tàn khốc từ phát xít Nhật là hơn hai triệu đồng bào Việt Nam chết đói, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng, kiệt quệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt chính sách tài chính vừa cấp bách, vừa lâu dài đã được triển khai ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng.

Sự ra đời của Quỹ Độc lập, “Tuần lễ vàng” dựa vào tấm lòng yêu nước của nhân dân đã giúp ngân khố quốc gia, huy động được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ trong một năm dưới thời Pháp thuộc. Từ thành công đó, các chính sách tài chính dựa vào dân được triển khai, để sau ngày toàn quốc kháng chiến, sự ra đời của “hũ gạo kháng chiến”, “hũ gạo nuôi quân”, “công phiếu kháng chiến” đã khơi đúng mạch nguồn vô tận của dân tộc là tấm lòng xả thân vì nền độc lập của Tổ quốc, quyết tâm thoát khỏi đêm trường nô lệ.

Song song với các chính sách động viên tài chính cấp bách, các chính sách thuế vô lý của chính quyền thực dân đã được bãi bỏ. Liền đó, các chính sách thuế mới từ nông nghiệp, công thương nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu… được ban hành theo hướng giảm tỷ lệ huy động, tạo nên sự khích lệ to lớn cho công cuộc kháng chiến. Chỉ tính trong 4 năm (1951-1954), từ Liên khu V trở ra, nguồn thu thuế nông nghiệp tại các vùng tự do đã đạt 1.578.000 tấn thóc, giúp cân đối cơ bản các khoản chi, kết dư gần 90.000 tấn thóc dự trữ chiến lược cho chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Sự minh chứng vận hành hệ thống tài chính đúng đắn thời kỳ này phải kể đến “mặt trận” quan trọng mà ngành Tài chính đã thực hiện đầy sáng tạo, hiệu quả ngay sau khi thành lập, đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cho ra đời “Giấy bạc Tài chính - Đồng bạc Cụ Hồ”. Không chỉ giúp nâng cao vị thế của chính quyền nhân dân, đồng bạc Cụ Hồ đã trở thành công cụ đấu tranh hữu hiệu trên mặt trận tài chính - tiền tệ với kẻ thù xâm lược.

Để có đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954, là bao cán bộ tài chính đã nằm lại trên các nẻo đường gian nan trong hành trình kháng chiến 9 năm. Đó là Liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội đã ngã xuống trên dòng sông Lô khi vận chuyển, bảo vệ hệ thống máy in tiền. Đó là nhiều cán bộ tài chính gửi thân nơi các cánh rừng từ ATK Tân Trào (Tuyên Quang), vùng căn cứ địa Khu 4, Hương Khê (Hà Tĩnh) đến chiến khu cách mạng vùng Năm Căn (Cà Mau). Vượt lên bom đạn tàn khốc, sự thiếu thốn khắc nghiệt của thời chiến, hệ thống tài chính các cấp đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu, đưa đất nước và dân tộc Việt Nam bước sang trang sử mới.

Hòa bình lập lại trên một nửa đất nước, ngành Tài chính Việt Nam lại cùng lúc "gánh vác" hai nhiệm vụ trọng tâm: khơi thông mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây là thời kỳ sự chuyên nghiệp, chuẩn hóa, quy củ của Ngành nâng lên tầm cao mới. Hàng loạt chính sách tài chính giúp động viên và phân phối các nguồn lực tài chính phù hợp được sửa đổi, ban hành đã thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất công-nông-thương nghiệp phát triển trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Có thể khẳng định, các chính sách tài chính phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã giúp toàn miền Bắc đến đầu năm 1965 hình thành 1.045 xí nghiệp, trong đó có 250 xí nghiệp Trung ương thuộc các ngành cơ khí, luyện kim, hoá chất; công nghiệp nhẹ, đáp ứng 90% hàng hóa tiêu dùng. Về nông nghiệp, cuối năm 1965, miền Bắc có 640 hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn/ha/năm. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập quốc dân không ngừng tăng, riêng thu nhập của nông dân tăng 24% so với giai đoạn trước đó. Nhờ vậy, quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn chống Mỹ cứu nước tăng nhanh (số thu NSNN thời kỳ 1966-1970 tăng gấp 2 lần thời kỳ 1961-1965; thời kỳ 1971 - 1975 tăng gấp 2,7 lần thời kỳ 1961-1965).

Tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của bè bạn quốc tế, tài chính Việt Nam đã tập trung sức người, sức của, mọi nguồn lực vật chất chi viện cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Cùng với sự tiếp tế, viện trợ của miền Bắc, hàng loạt chính sách tài chính như “đảm phụ nông nghiệp”, “đảm phụ công thương” được Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam triển khai, đã giúp huy động nguồn lực tại chỗ nuôi dưỡng cuộc kháng chiến.

Không thể kể hết nguồn sức người, sức của dành cho miền Nam ruột thịt thời kỳ này. Chỉ một con số thống kê đủ nói lên tất cả: Trong hơn 3.800 cán bộ tài chính các cấp là liệt sỹ, phần lớn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, có đơn vị tài chính – hậu cần Khu V, số lượng cán bộ liệt sỹ lên đến vài trăm người, đã minh chứng cho những đóng góp to lớn của những người cán bộ tài chính trên “mặt trận” thầm lặng nhưng không kém phần khốc liệt và bi tráng, để đảm bảo "mạch máu" hậu cần cho kháng chiến. Máu đào của người cán bộ tài chính cùng quân dân cả nước đã tô thắm lá cờ đỏ sao vàng, để có ngày thống nhất Tổ quốc, 30/4/1975.

Chặng đường khôi phục kinh tế - xã hội đất nước sau chiến tranh

Đất nước thống nhất nhưng chặng đường 10 năm (1975 - 1985), Việt Nam phải khắc phục hậu quả nặng nề bởi sự tàn phá của chiến tranh. Với bộn bề gian lao mở ra, thời kỳ này, ngành Tài chính Việt Nam đã tập trung giải quyết đồng bộ việc đổi mới kinh tế - xã hội và bước đầu vận dụng linh hoạt quy luật giá trị của cơ chế thị trường. Nhờ ban hành kịp thời, đúng đắn các chính sách tài chính giúp tổ chức lại nền sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giải quyết tốt mối quan hệ tích luỹ và tiêu dùng, nền kinh tế đất nước đã dần bước qua những gian khó của thời kỳ hậu chiến.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Tài chính đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thu đất, phí, lệ phí nhằm giúp doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 số tiền là 27.500 tỷ đồng, trong đó, cơ quan thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23.200 tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4.300 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng.

Nguồn: Báo cáo sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Tài chính.

Kết quả là trong giai đoạn 1981 - 1985, NSNN đã phân bổ vốn cho tích lũy bằng 10,5 lần và cho tiêu dùng bằng 12,9 lần so với giai đoạn 1976 - 1980. Trong chi tích lũy, vốn xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng 87,55% và bằng 10,63 lần giai đoạn 1976 - 1980; vốn lưu động và vốn dự trữ chiếm tương ứng tỷ trọng 2,5% và bằng 9,49 lần. Vốn xây dựng cơ bản được phân phối 84,7% cho khu vực sản xuất, trong đó ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 45,8%, ngành Nông - Lâm nghiệp là 25%... Công tác dự trữ nhà nước đã thực hiện xuất hàng triệu tấn thóc, gạo, mét vải, hàng nghìn tấn muối, hàng chục nghìn tấn xăng dầu, hàng ngàn xe ô tô…

Mặc dù vậy, bối cảnh trong nước và quốc tế đòi hỏi Đảng ta phải lựa chọn quyết sách đổi mới như một tất yếu lịch sử. Đường lối đổi mới mở đầu bằng Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đánh dấu bước ngoặt trong đổi mới tư duy, đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thay đổi căn bản về chất.

Hoạt động của ngành Tài chính thời kỳ này đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa. Chính sách huy động nguồn lực tài chính liên tiếp được bổ sung, sửa đổi nhằm phục vụ nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; thế và lực của đất nước được củng cố và tăng cường.

Giai đoạn 1986-1990, NSNN chi cho tích lũy bằng 27,61 lần và chi cho tiêu dùng bằng 32,63 lần so với 5 năm 1981 - 1985. Trong chi tích lũy đã phân phối 78,6% cho vốn xây dựng cơ bản; 21,4% cho vốn lưu động và vốn dự trữ nhà nước. Vốn xây dựng cơ bản chiếm 23,3% tổng số chi NSNN và tăng 24 lần so với giai đoạn 1981 - 1985.

Một dấu ấn nổi bật của ngành Tài chính thời kỳ này nữa là đã góp phần giúp Việt Nam phá vỡ sự bao vây cấm vận, vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á. Hoạt động NSNN có những chuyển biến về chất. Hệ thống thuế được đổi mới căn bản và toàn diện. Việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng đối với các thành phần kinh tế. Việt Nam cũng xử lý thành công nợ nước ngoài, khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, đẩy mạnh thu hút vốn ODA và FDI, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập với khu vực và quốc tế sâu rộng.

Thành quả của công cuộc đổi mới đã giúp quy mô NSNN không ngừng tăng cao, với tổng thu NSNN giai đoạn 1996 - 2000 tăng hơn 2,3 lần giai đoạn 1991 - 1995, trong đó nguồn thu về thuế và phí chiếm tới 96%. Tỷ lệ động viên vào NSNN bình quân 5 năm 1996-2000 là 20,6% GDP. Cơ cấu thu NSNN ngày càng phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội. Phần thu nội địa tăng dần, (từ 56,8% tổng thu giai đoạn 1991-1995 lên 57,5% giai đoạn 1996-2000); trong đó, nguồn thu từ khu vực kinh tế quốc doanh 23,4%, khu vực FDI chiếm tỷ trọng 20,7%, khu vực kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 7,2%; khu vực nông nghiệp chỉ còn 2,4%... Điều này cho thấy nền kinh tế thời điểm này đã cân bằng hơn.

Dấu ấn Tài chính Việt Nam trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thành công của thời kỳ 15 năm đổi mới đất nước (1986-2000) đã tạo tiền đề, chắp cánh cho ngành Tài chính Việt Nam cùng đất nước và dân tộc bước vào thế kỷ XXI, kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một lần nữa, ngành Tài chính lại đi tiên phong trong cải cách, đổi mới và hội nhập từ tư tưởng, thể chế cho đến quá trình thực hiện. Tài chính đã thực sự khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển nhanh, bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước từ chiều rộng sang chiều sâu.

Ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Trong đó có 5,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang và 2,55 nghìn tỷ đồng từ nguồn huy động của Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19. (Nguồn: Báo cáo sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Tài chính).

Không chỉ hoàn thành xuất sắc và toàn diện nhiệm vụ tài chính - NSNN, giai đoạn 2001-2020, ngành Tài chính đã đi đầu trong hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung mạnh mẽ cho cải cách, hiện đại hóa. Chính sách động viên, phân phối tài chính không ngừng được đổi mới nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng đầu tư phát triển, thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng đầu tư cho an sinh xã hội.

Các nguồn vốn ngoại như FDI, vốn ngoại đầu tư trên thị trường chứng khoán được mở rộng hiệu quả. Thị trường chứng khoán (quy mô năm 2021 vượt 80% GDP) không ngừng phát triển, mở rộng, ngày càng lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Thành công đó giúp Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình và kết thúc năm 2020, GDP đạt 334 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD/năm. Tháng 8/2020, Tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Tài chính Việt Nam đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa thế và lực của đất nước lên một tầm cao mới. Nhiều chính sách tài chính thúc đẩy hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo đã được toàn ngành Tài chính triển khai đồng bộ từ hệ thống Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Kho bạc Nhà nước... cho đến hệ thống tài chính các cấp. Riêng trong 2 năm, 2015-2016, lĩnh vực thuế đã cắt giảm được 420 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế (giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, bằng với bình quân chung các nước ASEAN+4); việc triển khai hóa đơn điện tử từ năm 2020 cũng là điểm sáng.

Với ngành Hải quan, Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và gần nhất là hải quan điện tử đã thực sự đưa thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Thời kỳ này, NSNN ngày càng được cơ cấu bền vững. Bình quân thu NSNN giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP, giai đoạn 2016-2020 là 24,5% GDP vượt mục tiêu Quốc hội và Bộ Chính trị đề ra, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2006-2010. Thu nội địa chiếm tỷ trọng 81,6% tổng thu NSNN (giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015 tương ứng là 59,5% và 68,7%). Giảm tỷ lệ nguồn thu từ dầu thô và thuế xuất, nhập khẩu cũng là điểm sáng nổi bật trong thời kỳ này.

Không chỉ đảm bảo cân đối nhiệm vụ chi, giữ tỷ lệ nợ công an toàn, những năm qua, NSNN đã tăng chi lớn cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, mới đây nhất là chi cho nhiệm vụ phòng, chống đại dịch COVID -19. Chỉ tính riêng thực hiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168.800 tỷ đồng. Trong số này, có 147.300 tỷ đồng gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí. 21.500 tỷ đồng tăng chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Là ngành có nhiều lĩnh vực gắn với Chính phủ kiến tạo, Tài chính Việt Nam luôn đi đầu trong ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác quản lý, điều hành theo tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, gắn cải cách hành chính với hiện đại hóa và tinh giản bộ máy. Theo kết quả được công bố ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2020 (PAR index 2020). Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2014-2020), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Năm 2021, kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19, do vậy, việc điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là mục tiêu hàng đầu toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện. 781.000 tỷ đồng thu nộp vào NSNN trong 6 tháng đầu năm 2021 (bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó thu nội địa bằng 56,3% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 56,3% dự toán... là minh chứng cụ thể cho nỗ lực của toàn ngành Tài chính trước nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin tưởng rằng, với truyền thống quý báu, hào hùng - 76 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc “mục tiêu kép” của Chính phủ là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với truyền thống cách mạng, với niềm tin của Đảng và Nhân dân trong thời kỳ mới của đất nước - hướng tới một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

1. 60 năm Tài chính Việt Nam (1945-2005), NXB Tài chính, tháng 8/2005

2. 70 năm Tài chính Việt Nam (1945-2015), NXB Tài chính, tháng 8/2015;

3. 75 năm Tài chính Việt Nam (1945-2020), NXB Tài chính, tháng 8/2020;

4. Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) - Những đóa hoa bất tử, NXB Tài chính, tháng 7/2017;

5. Bộ Tài chính (2021), Báo cáo sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021.

 (*) Phan Ngọc Chính – Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021.