Ả rập Xê út ra điều kiện trước thềm cuộc họp OPEC

Theo enternews.vn

Ả rập Xê út tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô của nước này với điều kiện Iran cũng phải đồng ý nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu hiện tại.

Ả rập Xê út sẽ chỉ cắt giảm sản lượng nếu Iran giữ nguyên mức sản lượng hiện tại.
Ả rập Xê út sẽ chỉ cắt giảm sản lượng nếu Iran giữ nguyên mức sản lượng hiện tại.

Yêu cầu trên được Ả rập Xê út đưa ra trước thềm cuộc họp OPEC diễn ra vào cuối tháng này, song hiện vẫn chưa rõ Iran có nhất trí hay không.

Theo đề xuất trên, Ả rập Xê út sẵn sàng cắt giảm sản lượng xuống mức tương đương các mức hồi đầu năm, đổi lại Tehran cũng sẽ phải giữ nguyên sản lượng khai thác dầu hiện ở mức khoảng 3,6 triệu thùng một ngày.

Ả rập Xê út là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC. Kể từ đầu năm tới nay, quốc gia này đã tăng sản lượng khai thác dầu lên mức kỷ lục và luôn duy trì ở mức trên 10 triệu thùng mỗi ngày.

Do nhu cầu tăng trong mùa Hè, sản lượng dầu thô của Ả rập Xê út đã tăng đáng kể lên 10,63 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Tám, sau khi đạt mức cao kỷ lục 10,67 triệu thùng trong tháng Bảy.

Một số nguồn tin cho biết các nước ở khu vực vùng Vịnh như UAE, Qatar và Kuwait sẽ đồng ý tham gia vào bất kỳ đề xuất cắt giảm nào nếu các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề sản lượng, đặc biệt khi Ả rập Xê út cam kết mức cắt giảm lớn nhất nhằm vực dậy giá dầu vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Do giá dầu sụt giảm mạnh, Riyadh và các đồng minh vùng Vịnh đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” sau một thập kỷ chi tiêu hào phóng nhờ vào các nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ.

Khi tác động tiêu cực của giá dầu rẻ ngày càng lớn và gây áp lực lên vấn đề ngân sách của Ả rập Xê út, thì cả Riyadh và Tehran đều phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt hơn để cứu vãn giá dầu.

Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên nhằm hướng tới một thỏa thuận sản lượng toàn cầu đã sụp đổ vào tháng Tư vừa qua, khi Iran tuyên bố không tham gia bất kỳ thỏa thuận sản lượng nào cho tới khi quốc gia này lấy lại được thị phần và đạt mức sản lượng khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày như thời điểm trước khi bị cấm vận.