ADB có thể cho doanh nghiệp vay thương mại để đầu tư sản xuất


Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại buổi làm việc với các Giám đốc điều hành Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) diễn ra chiều ngày 27/5.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Các Giám đốc điều hành của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gồm ông Philip Rose, Giám đốc điều hành ADB phụ trách Áo, Đức, Lúc-xăm-bua, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh. Ông Pierre - Emmunuel Beluche, Giám đốc điều hành ADB phụ trách Bỉ, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ; Ông Kris Panday, Giám đốc điều hành ADB phụ trách Ca-na-đa, Đan Mạch, Phần Lan, Ai-len, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển. Dự buổi làm việc còn có ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cùng đại diện một số lãnh đạo đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất có hiệu quả từ ADB trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi năm 2017 và các Nghị định hướng dẫn Luật quản lý nợ công; tổ chức hội thảo phòng ngừa rủi ro... Hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, quá trình giải ngân của các dự án cơ bản được triển khai khẩn trương, đảm bảo theo đúng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và ADB.

Về định hướng sử dụng nguồn vốn OCR của ADB, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ và Bộ Tài chính đều hết sức quan tâm tới hiệu quả sử dụng nguồn lực do ADB hỗ trợ thời gian qua cũng như đối với nguồn vốn OCR, khi Việt Nam đã chính thức tốt nghiệp vốn ODA. Vì vậy, hai bên cần tăng cường trao đổi, thảo luận về hạn ngạch, nhằm đảm bảo cân đối tổng thể chung trong kế hoạch vay và trả nợ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2026 và đánh giá nhu cầu đầu tư vốn, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xây dựng chiến lược và kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài cho giai đoạn 2021-2026 và sẽ thông báo chính thức cho các nhà tài trợ về khung vay vốn cho giai đoạn tiếp theo.

Đối với các lĩnh vực doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay có điều kiện thương mại, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị ADB nghiên cứu, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể trực tiếp tiếp cận vốn vay ADB hoặc ADB hỗ trợ thúc đẩy để doanh nghiệp vay thương mại cho đầu tư sản xuất, Chính phủ không áp dụng cơ chế vay về cho vay lại, mở rộng hình thức cho doanh nghiệp vay với hình thức tự vay tự trả.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà và các Giám đốc điều hành Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và các Giám đốc điều hành Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).

Tại buổi làm việc, thay mặt các Giám đốc điều hành ADB, ông Pierre - Emmunuel Beluche - Giám đốc điều hành ADB phụ trách Bỉ, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong quản lý nợ công bền vững và những nỗ lực tăng cường nguồn thu nội địa. Đồng thời khẳng định, ADB luôn cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Liên quan tới lập kế hoạch tài trợ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính của Việt Nam, ông Pierre - Emmunuel Beluche cho rằng các kế hoạch cần phải trùng khớp với nhau về mặt thời kỳ và giai đoạn để ADB có thể đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ dành cho Việt Nam. Trong đó, một số lĩnh vực ADB có thể hỗ trợ Việt Nam như: quản lý tài chính, đổi mới cải cách thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, đổi mới DNNN...

Chia sẻ những ưu tiên định hướng các hoạt động hỗ trợ hoạt động của khu vực tư nhân, ông Philip Rose - Giám đốc điều hành ADB phụ trách Áo, Đức, Lúc-xăm-bua, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh cho biết, trong chiến lược 2030, ADB đã đề ra định hướng đẩy mạnh hỗ trợ cho tham gia của khu vực tư nhân và Việt Nam hiện có khả năng hấp thụ cũng như khả năng nâng cao hiệu quả hơn nữa các hoạt động hỗ trợ của ADB với hoạt động của khu vực tư nhân.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển đất nước và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trên phương diện tài chính, Bộ Tài chính quan tâm một số chính sách lớn như đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu và tham gia quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa những dịch vụ công như y tế, giáo dục cũng như tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào hoạt động này. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng ADB có thể tham gia hỗ trợ vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách của khu vực doanh nghiệp tư nhân này.