ADB dự báo kinh tế châu Á tăng trưởng ổn định trong 2 năm tới

Theo TTXVN

Trong bối cảnh tăng trưởng của một số nền kinh tế trên thế giới sụt giảm, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á tăng trưởng ổn định trong năm 2016 và 2017, song cảnh báo nguy cơ dòng vốn rút khỏi khu vực.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao.

Dự báo trên được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 27/9.

Theo ước tính của ADB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á tăng 5,7% trong cả hai năm 2016 và năm 2017 nhờ động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.

Cụ thể, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự báo tăng trưởng lần lượt 6,6% và 6,4%, nhờ gói kích thích tài chính và tiền tệ. Trong khi đó, ADB duy trì dự báo kinh tế Ấn Độ tăng 7,4% năm nay và 7,8% năm tới, do các chương trình cải cách đạt tiến bộ ổn định.

Dự kiến khu vực Nam Á sẽ giữ tốc độ tăng trưởng nhanh, với 6,9% trong năm nay và 7,3% năm kế tiếp, chủ yếu nhờ chi tiêu cá nhân tăng mạnh. Đối với khu vực Đông Nam Á, dự kiến tăng 4,5% năm nay trong bối cảnh chính phủ các nước này tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Năm 2017, tăng trưởng của 5 nước Đông Nam Á dự kiến tăng 5% khi nhu cầu của các nền kinh tế phát triển tăng đột biến và giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng cao hơn.

Riêng với Indonesia, Giám đốc ADB Steve Tabor cho biết ngân hàng đã cắt giảm mức tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay xuống còn 5% từ dự báo ban đầu là 5,2%.

Đối với các nền kinh tế ở Trung Á, khu vực này sẽ vẫn bị áp lực bởi giá dầu mỏ và khí đốt rớt thảm hại, nhu cầu yếu kém và nguồn thu ngoại tệ thấp. ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay của khu vực này xuống còn 1,5%, so với mức 2,1% được dự báo hồi tháng Ba vừa qua.

Chuyên gia kinh tế ADB nhận định các nhà hoạch định chính sách cần theo dõi nguy cơ xảy ra đảo ngược dòng vốn do những thay đổi về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ.

Bên cạnh đó, báo cáo của ADB cảnh báo những rủi ro liên quan đến khí hậu đối với khu vực châu Á như mùa mưa ngắn hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và sự bùng phát dịch bệnh và sâu bọ gây hại.