Ai cũng cần học kinh tế vi mô!

Theo cafef.vn

(Tài chính) Đã đến lúc cải cách bộ môn kinh tế học vi mô theo hướng đơn giản, dễ hiểu và mang nhiều tính thực tế hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Suốt một thế kỷ vừa qua, các trường đại học hàng đầu thế giới đã giảng dạy kinh tế học vi mô thông qua lăng kính của mô hình Arrow-Debreu về trạng thái cân bằng tương đối. Với cái nhìn sâu hơn về học thuyết “Nguồn gốc của cải của các quốc gia” được đưa ra bởi Adam Smith, mô hình này là hiện thân của vẻ đẹp, sự đơn giản và tính thiếu thực tế của hai định lý cơ bản về trạng thái cân bằng tương đối. 

Học thuyết này cũng đối lập với sự hỗn độn và phức tạp mà các nhà kinh tế học đã tạo ra trong nỗ lực tìm ra cách tốt hơn để minh họa các diễn biến của kinh tế thế giới. Nói cách khác, trong khi các nhà nghiên cứu nỗ lực để hiểu thấu những trường hợp phức tạp của thế giới thực, các sinh viên kinh tế được tiếp cận với những giả thuyết không hề tồn tại trên thực tế. 

Phương pháp giáo dục này xuất phát từ ý tưởng cho rằng đóng khung những suy nghĩ về các vấn đề kinh tế sẽ tỏ ra hữu ích đối với các sinh viên kinh tế hơn so với các mô hình. Tuy nhiên, điều này lại trở thành gánh nặng với một bộ phận khác: đi chệch khỏi mô hình Arrow-Debreu, mọi thứ trở nên quá thực tế và phức tạp và do đó không còn phù hợp với các lớp học. Những suy nghĩ thực tế về kinh tế vi mô chỉ dành cho các chuyên gia. 

Chắc chắn là, các mô hình cơ bản (ví dụ như học thuyết về độc quyền, hàng hóa công cộng hoặc đơn giản là học thuyết thông tin bất cân xứng) có giá trị về mặt giáo dục. Tuy nhiên, có rất ít nhà nghiên cứu làm việc với chúng. Những lý thuyết được sử dụng phổ biến khi nghiên cứu về kinh tế vi mô bao gồm phân tích rủi ro, thị trường hai bên, tín hiệu thị trường, cấu trúc vi mô của thị trường tài chính, đánh thuế tối ưu … Những lý thuyết này phức tạp hơn nhiều và phần lớn bị loại khỏi các cuốn sách giáo khoa. 
Trên thực tế, các cuốn sách giáo khoa về kinh tế vi mô gần như không thay đổi trong ít nhất là 2 thập kỷ qua. Do đó, các sinh viên mới tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn để có thể hiểu được những bài báo đậm chất nghiên cứu. 

Mặc dù đúng là các mô hình kinh tế vi mô thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì được viết ra trong sách giáo khoa, không nhất thiết phải mất nhiều năm nghiên cứu để có thể nắm bắt được chúng. 
Một ví dụ là thị trường hai bên. Đây là lý thuyết nói đến sự cạnh tranh giữa các hệ thống có sản phẩm kết nối hai bộ phận người dùng. Hai bộ phận này sau đó cung cấp cho bên còn lại những lợi ích của mạng lưới. Khi một thị trường là thị trường hai bên, rất nhiều kết luận của phân tích chống độc quyền không còn đúng nữa. Thâm nhập thị trường có thể có hại cho người tiêu dùng, hợp đồng độc quyền sẽ khiến số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng lên.

Nghiên cứu được thực hiện bởi David Evans và Richard Schmalensee miêu tả nhiều trường hợp áp dụng những kết luận cũ dẫn đến sai lầm. Tuy nhiên, có thể hiểu được sự bất đồng về hành vi giữa thị trường hai bên và thị trường truyền thống bằng cách sử dụng những công cụ đơn giản của kinh tế học vi mô cư bản, như sự khác nhau giữa hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung. Khi các nhà sản xuất hàng hóa thay thế thông đồng với nhau, họ thường nâng giá hàng hóa. Ngược lại, những nhà sản xuất hàng hóa bổ sung sẽ hợp tác với nhau để hạ giá hàng hóa. 

Bởi vậy, nếu hai hệ thống cung cấp những dịch vụ tương tự là bổ sung cho nhau, thâm nhập thị trường là có hại cho người tiêu dùng. Trên thực tế, hai hệ thống có thể là bổ sung cho một nhóm người dùng và thay thế cho một nhóm khác. Ví dụ, các giai đoạn khác nhau của một giải bóng đá được truyền hình trực tiếp trên tivi là hàng hóa bổ sung cho khán giả nhưng sẽ là hàng hóa thay thế đối với các công ty quảng cáo. 

Thêm vào đó, hợp đồng độc quyền có thể giúp tăng cạnh tranh bằng cách cho phép hai hệ thống hoạt động trong cùng một thị trường. Nói một cách ngắn gọn hơn, với hiểu biết căn bản về sự khác nhau giữa hàng hóa thay thế và bổ sung, ai cũng có thể hiểu về những mô hình kinh tế phức tạp mà không cần phải tốn kém để thuê một chuyên gia. 

Mặc dù mô hình Arrow-Debreu cũng có giá trị riêng (giải thích tại sao một nền kinh tế không có kế hoạch vẫn có thể hoạt động đúng thứ tự), mô hình này không thể khuyến khích sinh viên khi cuối cùng họ phát hiện ra rằng đây là những mô hình khác xa so với thực tế. 

Cải cách quy trình đào tạo kinh tế học vi mô sẽ giúp truyền đạt một thông điệp chính xác hơn và tạo nhiều cảm hứng hơn: kể cả những người có vốn kiến thức trung bình cũng có thể hiểu và áp dụng những ý tưởng phức tạp được phát triển bởi những chuyên gia.