Ai đang khai thác tốt thị trường 15 tỷ USD/năm?

Theo Quỳnh Vũ/thoibaonganhang.vn

Home Credit là một trong những CTTC tiên phong trong việc thiết lập phòng Trải nghiệm khách hàng với mục đích đảm bảo về chất lượng dịch vụ từ giai đoạn khách hàng được tư vấn, kí hợp đồng, thanh toán khoản vay hằng tháng và khi kết thúc hợp đồng

Nhân viên Home Credit tư vấn dịch vụ cho khách hàng.
Nhân viên Home Credit tư vấn dịch vụ cho khách hàng.
Vài năm gần đây, các công ty tài chính (CTTC) trực thuộc NHTM liên tục ra mắt nhưng nhiều CTTC vẫn còn vướng mắc trong vấn đề xây dựng mô hình phân phối và tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh. Thế nên, cơ hội bùng nổ vẫn đang nghiêng phần nhiều cho các CTTC ngoại hay có vốn góp từ nước ngoài.

Để cạnh tranh với CTTC có vốn ngoại, trong 1-2 năm vừa qua, các NH trong nước ồ ạt thành lập CTTC và rầm rập thực hiện nhiều chiến lược hòng mở rộng thị phần. Thế nhưng không phải NH nào cũng định hướng được mô hình phát triển sau khi thực hiện được mục tiêu CTTC.

Chẳng hạn, SHB thời gian qua liên tục đăng thông tin tuyển dụng tổng giám đốc giỏi, chuyên gia về bán lẻ để mời được một số ứng viên xuất sắc về làm quản lý CTTC tiêu dùng SHB. Techcombank mua lại CTTC cổ phần Hóa Chất, chuyển thành CTTC TNHH MTV Kỹ thương nhưng từ năm 2015 đến nay, CTTC này chưa có dấu ấn, hình ảnh của mình trên thị trường. Cùng lúc đó, sau khi Maritime Bank mua lại CTTC Dệt may cũng không có thêm thông tin về công ty này.

Ngay như VPBank, sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang FE Credit. Tính đến thời điểm này, FE Credit là CTTC trong nước duy nhất có sức ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, so với sự phát triển của các CTTC có vốn ngoại thì FE Credit vẫn phải tìm thêm nhiều giải pháp để cạnh tranh.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay, hầu hết các NH trong nước đều kỳ vọng lớn vào CTTC tiêu dùng vì theo ước tính thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng 30 triệu người trong khoảng 29-50 tuổi. Mục tiêu đặt ra không sai vì thực tế, nhu cầu vay của các khách hàng có thu nhập khoảng 5-8 triệu đồng/tháng tương đối nhiều, mức thu nhập này thường gặp khó khăn khi vay NH nhưng dễ vay từ các CTTC.

Thế nhưng, mọi nỗ lực của CTTC trong nước vẫn chưa đạt nhiều kết quả vì song song đó các CTTC vốn ngoại luôn liên tục chuyển mình “tấn công” mạnh vào thị trường bán lẻ bằng rất nhiều giải pháp.

Đơn cử như Home Credit, với lợi thế trường vốn và quản lý được rủi ro tốt, sau 9 năm hoạt động, công ty đã xây dựng mạng lưới gần 9.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Với hơn 11.000 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đã và đang phục vụ 7 triệu khách hàng với 3 sản phẩm chính: Cho vay trả góp xe gắn máy; Cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và Cho vay trả góp tiền mặt.

Với nền tảng có được, không chỉ tiếp tục mạnh tay đầu tư đa dạng sản phẩm dịch vụ cho vay, quản lý rủi ro mà Home Credit còn tiến tới việc thay đổi nhận diện thương hiệu để củng cố vị thế dẫn đầu của mình. Nói như ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit, Home Credit đang quyết liệt trong những năm gần đây để bắt kịp nhu cầu thay đổi cực kỳ nhanh của thị trường tài chính. Việc thay đổi thương hiệu mới chính là một phần rất quan trọng trong việc chuyển đổi của họ.

“Nụ cười thể hiện rằng chúng tôi không chỉ là một tổ chức tài chính, chúng tôi còn là bạn đồng hành. Chúng tôi tin tưởng vào tương tác giữa người với người, điều giúp chúng tôi khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn giúp khách hàng chi trả cho những sản phẩm quan trọng trong cuộc sống của họ và từng bước, chúng tôi sẽ thay đổi cách thế giới mua sắm”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Có thể nói, khi đã đạt được kết quả tối ưu, các CTTC bắt đầu hướng người tiêu dùng thay đổi cách nhìn về họ. Chẳng hạn, nếu logo mới với nụ cười nổi bật thể hiện sự hài lòng, tin tưởng và sự gắn kết thì thông điệp “Nay bạn hoàn toàn có thể” là đòn bẩy cho một tương lai tốt đẹp và một chất lượng sống mà Home Credit muốn truyền tải đến khách hàng của mình…

Nhìn chung, tài chính tiêu dùng là một phân khúc nhiều tiềm năng để phát triển, lợi nhuận cao. Hiện thị trường mới có 6 CTTC tiêu dùng, còn lại là do các NH cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng. Nếu nói về thị phần thì NHTM chiếm 87%, TCTD 12%, các công ty Fintech chiếm 1%. So sánh về nội tại CTTC thì các CTTC trong nước dù có tỷ lệ cao hơn so với CTTC ngoại nhưng rõ ràng thị phần vẫn còn khá thấp. Thậm chí, một lãnh đạo CTTC có vốn góp của nước ngoài thừa nhận, nếu một CTTC không có nền tảng từ trước đó thì việc khai thác thị trường tài chính tiêu dùng không phải là chuyện dễ đối với các CTTC trong nước.

Theo giám đốc khối tín dụng tiêu dùng của một CTTC, đối với lĩnh vực này muốn thành công, các CTTC trong nước cần phải xử lý tốt các vấn đề cốt yếu như nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro, nắm bắt tâm lý khách hàng… mọi yếu tố đòi hỏi phải có chuyên môn để phát triển và cạnh tranh.

Lại lấy Home Credit làm ví dụ, tại Việt Nam, Home Credit là một trong những CTTC tiên phong trong việc thiết lập phòng Trải nghiệm khách hàng với mục đích đảm bảo về chất lượng dịch vụ từ giai đoạn khách hàng được tư vấn, kí hợp đồng, thanh toán khoản vay hằng tháng và khi kết thúc hợp đồng.

Home Credit vẫn đang thực hiện công việc này nhằm mang đến một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của Home Credit, đặc biệt đối với những khách hàng lần đầu tiên tiếp cận với hình thức vay trả góp qua CTTC. Trong khi đó, hiện có nhiều CTTC vẫn còn vướng mắc trong vấn đề xây dựng mô hình phân phối và tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh. Đó cũng là lý do mà nhiều CTTC trong nước đang phải tìm cách huy động vốn cũng như kinh nghiệm từ đối tác chiến lược nước ngoài…