Ai được lợi trong cuộc chiến giá dầu?

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Việc thị trường dầu lao dốc trong những ngày gần đây có thể giúp doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đã chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19, được hưởng lợi, khi đây cũng là quốc gia nhập khẩu dầu và có lượng người tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ không phải hoàn toàn tích cực.

Trong năm 2019, Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 72% trong tổng lượng dầu tiêu thụ.
Trong năm 2019, Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 72% trong tổng lượng dầu tiêu thụ.

Trung Quốc sẽ được lợi?

Trong năm 2019, Trung Quốc đã phải nhập khẩu đến 72% trong tổng lượng dầu tiêu thụ, trung bình 10 triệu thùng mỗi ngày, tức 506 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ thùng, tăng 9,5% so với năm 2018 và đánh dấu năm thứ 17 liên tiếp có tốc độ nhập khẩu dầu tăng lên. Điều này có nghĩa là khi giá dầu sụt giảm, mà gần nhất đến từ cuộc chiến giá cả giữa Ả Rập Saudi và Nga, sẽ giúp các công ty Trung Quốc giảm chi phí nhiên liệu để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh khi đại dịch Covid-19 được đẩy lui.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong số các quốc gia mà Trung Quốc đang nhập khẩu dầu, Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu danh sách, nếu tính luôn cả Angola, Iraq và Oman, thì tổng lượng dầu nhập khẩu từ những nước này chiếm khoảng 55% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2018. Với việc giá dầu lao dốc vừa qua, theo ước tính của một số tổ chức thì lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc có thể tăng 2% trong năm nay.

Cụ thể, theo Julian Evans-Pritchard - chuyên gia kinh tế của Trung Quốc tại Capital Economics, giá dầu thấp hơn sẽ giúp tăng sản lượng các ngành công nghiệp lên 0,3%. Theo ước tính thì sự sụt giảm 2 điểm phần trăm trong tăng trưởng xuất khẩu sẽ xóa sạch những lợi ích từ việc giá dầu thấp hơn. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay có thể chậm lại ít nhất gấp ba lần tốc độ kể trên.

Mặt khác, sự sụp đổ của giá dầu thế giới có khả năng dẫn đến cơ cấu cung cấp ngày càng độc quyền, khi các nhà cung cấp nhỏ có thể không chịu nổi trước mức giá quá thấp như hiện nay, khiến chiến lược của Trung Quốc về việc đảm bảo nhiều nguồn cung cấp gặp nhiều thách thức. Giới chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến an ninh năng lượng, hoặc làm thế nào để tìm được nhiều nguồn cung cấp ổn định, hơn là lợi ích từ việc dầu giảm giá.

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế gần đây đã giảm còn 31 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. So với đầu năm nay, giá năng lượng này đã mất hơn 40 USD/thùng, tương đương giảm đến 56%, đặc biệt đà lao dốc tăng nhanh trong tuần trước, sau khi Ả Rập Saudi và Nga phá vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Được biết, giá nhập khẩu dầu trung bình của Trung Quốc trong năm 2019 lên đến 65 USD/ thùng.

Vẫn còn những lo ngại

Dù vậy, sự sụt giảm giá dầu cũng chưa hẳn là tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc, vì sẽ tác động xấu đến các nhà sản xuất dầu trong nước và đầu tư khai thác các mỏ dầu ở nước ngoài. Cụ thể, vào năm ngoái Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu khi đạt sản lượng 190 triệu tấn, tương đương 1,4 tỷ thùng, với chi phí sản xuất trung bình cao hơn mốc 40 USD/thùng. Việc giá dầu giảm về dưới mức này có thể đẩy họ vào tình trạng thua lỗ.

Nếu như giá dầu thấp hơn có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Trung Quốc và tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng sẽ khiến các nhà sản xuất dầu của Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước chịu nhiều thiệt hại. Theo đó, các công ty này phải xem xét cân đối giữa năng lực sản xuất và sự ổn định xã hội, vì nếu cắt giảm hoạt động quá mức sẽ khiến người lao động mất việc, điều mà chính phủ không muốn xảy ra.

Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), một trong ba công ty dầu khí nhà nước đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 20% trong tuần trước trên sàn giao dịch Hồng Kông, trong đó riêng ngày 11/3/2020 “bốc hơi” đến 6%. 

Sự sụp đổ của giá dầu có thể đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính của ngành dầu khí mà Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, khi nhiều  công ty đã mua lại hàng loạt mỏ dầu ở các nước vào đầu những năm 2010 với mục đích cải thiện an ninh năng lượng quốc gia. Khi giá dầu giảm, các mỏ dầu này có thể trở thành gánh nặng bởi còn có thể kiếm được tiền hay không.