AIIB: Từ tuân thủ đến áp đặt luật chơi
(Taichinh) - Sau nhiều chờ đợi, 57 nước thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã ký các điều khoản liên kết thành lập thể chế tài chính mới này. Với Bắc Kinh, đây là mốc quan trọng đánh dấu việc Trung Quốc từ người phải tuân thủ luật chơi trở thành nhân vật áp đặt luật chơi của riêng mình.
Dự án tham vọng
Cuối tháng 10 năm ngoái, tại Bắc Kinh, 21 quốc gia ở Đông Á, Nam Á, Trung Á và các nước Đông Nam Á đã ký bản ghi nhớ, nhất trí thành lập AIIB, đặt trụ sở tại Bắc Kinh, với vốn pháp định là 100 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD. Việc thành lập AIIB có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như địa - chính trị và là biểu tượng cho xu hướng phát triển quan trọng của lịch sử.
Sự ra đời của ngân hàng này xuất phát từ nhu cầu thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới - chiếm 60%, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trước cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á chiếm tới 60% toàn cầu. Dự báo, đến 2050, GDP bình quân đầu người ở khu vực châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay. Nói cách khác, châu Á có tiềm năng và triển vọng phát triển hết sức to lớn.
AIIB ra đời không chỉ phản ánh xu hướng phát triển hướng tới khu vực châu Á của các trung tâm tài chính toàn cầu, mà còn cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc. Cho đến nay, các thể chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều do Mỹ và phương Tây chi phối. Các quan niệm giá trị và những lợi ích mà nó theo đuổi đều thuộc về phương Tây. Những năm gần đây, để phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi, chương trình cải tổ IMF 2010 kêu gọi chuyển 6% hạn mức đóng góp cho các nền kinh tế này, chủ yếu do Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil nắm giữ. Nếu việc cải tổ được thông qua, Trung Quốc sẽ trở thành thành viên lớn thứ ba của IMF, đồng thời hội đồng IMF sẽ được cơ cấu lại nhằm giảm ưu thế của các nước Tây Âu và mang lại tiếng nói lớn hơn cho các nước mới nổi. Tuy nhiên, việc cải tổ đã bị trì hoãn suốt 5 năm qua khi Quốc hội Mỹ phong tỏa không bỏ phiếu thông qua. Trung Quốc và những quốc gia mới nổi khác mãi mãi chỉ là những kẻ “tuân thủ luật chơi” trong các chế định do Mỹ và phương Tây chi phối.
Quyền ra luật chơi
Theo các điều khoản thành lập, Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30 tỷ USD trong 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ trở thành cổ đông lớn nhất và giành được 25 - 30% quyền bỏ phiếu. Đánh giá tổng quan tình hình thực tế hiện nay có thể thấy Trung Quốc có cơ sở để trở thành người đề ra quy tắc quốc tế.
Thứ nhất, tình trạng chia rẽ trong hệ thống thương mại quốc tế hiện nay khi các hiệp định thương mại không hoàn toàn được người dân các nước ủng hộ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một cây cầu tiến tới châu Á, nhưng ông lại gặp khó khăn ở chính Quốc hội Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã không ngần ngại tuyên bố “nếu chúng ta không đề ra quy tắc, Trung Quốc sẽ đề ra quy tắc... chúng ta sẽ bị loại”.
Thứ hai, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tích lũy được một lượng lớn trái phiếu của Mỹ và chính phủ các nước, do đó muốn thể hiện sức mạnh tài chính quốc tế của mình. Nước này cũng nhiều lần công khai phản đối sự thống trị của đồng USD trong các tổ chức tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, không dễ ép các nước tuân theo “luật chơi” của Trung Quốc, bởi trừ Mỹ, các quốc gia đồng minh của Mỹ, từ Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản... đều nhanh chân tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập. Có thể một mặt họ tham gia ngân hàng để kiếm lời, mặt khác họ muốn có chân trong tổ chức này ngay từ đầu để có quyền đàm phán và định ra những quy tắc, trật tự tài chính trong tương lai. Khi họ đã là thành viên sáng lập, thì mọi “luật chơi”, quy tắc vận động của AIIB sẽ không chỉ do Trung Quốc áp đặt.
AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh, có nhiệm vụ cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Mục đích của Trung Quốc trong việc thành lập AIIB là muốn tạo ra sân chơi tài chính do Trung Quốc áp đặt luật chơi, đồng thời là kênh huy động vốn cho chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Một khi chiến lược kinh tế của Trung Quốc thành công, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ dễ dàng trở thành hiện thực. Có thể dự đoán rằng, trong tương lai, đồng NDT sẽ có vị trí ngang bằng đồng USD, đồng yen, đồng euro và đồng bảng Anh.