Ẩn dưới con sóng FOMO
Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán tìm kiếm cơ hội với hiệu ứng "FOMO" (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) mạnh đã khiến nhiều cổ phiếu tăng dựng ngược, đặc biệt ở cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) thường có yếu tố đầu cơ cao và chịu rủi ro về thanh khoản.
Cổ phiếu "họ Louis" là thí dụ điển hình. Bằng việc "thay máu", đổi chủ ở hai "hạt nhân" là Công ty cổ phần (CTCP) Louis Land (mã chứng khoán BII-tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư) và CTCP Louis Capital (mã chứng khoán TGG-tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang), sau đó lần lượt hai doanh nghiệp này đã có khoản đầu tư vào hàng loạt các doanh nghiệp khác như: AGM, SMT, DDV, VKC, APG, TDH. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn, thậm chỉ "chỉ còn vỏ bọc" như BII, TGG, TDH…, ngoại trừ DDV và AGM đang có cải thiện về hoạt động kinh doanh. Nhưng diễn biến giá cổ phiếu hoàn toàn ngược lại, cứ có "bàn tay midas Louis" thì cổ phiếu tăng trần, tăng bằng lần, nhà đầu tư vì thế cũng bị kích thích lòng tham, không bỏ qua cơ hội này.
Một đặc điểm cần chú ý ở các thành viên trong "họ Louis", là kết quả kinh doanh bết bát (ngoại trừ DDV, AGM, APG)… thì sau diễn biến tăng giá cổ phiếu đều có kế hoạch phát hành tăng vốn. Dĩ nhiên giá phát hành từ khoảng 10-15 nghìn đồng/CP, thấp hơn nhiều so với thị giá ngất ngưởng. Với giá này, nếu không có "quả" đổ đèo vừa qua, có lẽ, các doanh nghiệp nói trên sẽ đều phát hành thành công với niềm tin sẵn có của nhiều cổ đông hiện hữu-điều mà nhiều doanh nghiệp thành viên Louis Holding sẽ không thể làm được trước đây khi thực trạng giá cổ phiếu chỉ lèo tèo như bó hành, cốc trà đá...
Hay cổ phiếu RGC của Đầu tư PV-Inconess có mức tăng giá lên tới 64% trong một tuần gần nhất, tăng 177% trong một tháng gần nhất, nhưng lợi nhuận chín tháng ghi nhận con số âm 10 tỷ đồng. Hoặc như cổ phiếu PGT của Công ty cổ phần PGT Holdings tăng giá 158% trong một quý gần nhất (tính đến ngày 16/11), trong khi doanh nghiệp hoạt động doanh thu không ổn định, thua lỗ quá nửa vốn điều lệ...
Nhiều nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho rằng, việc lãnh đạo công ty nói về mục tiêu giá cổ phiếu, thêm nữa, giá trên thị trường cũng tăng mạnh, càng khiến nhiều nhà đầu tư lao vào mà không quan tâm tới thực tại doanh nghiệp, về tính khả thi của kế hoạch, về năng lực của đội ngũ điều hành, quản trị… Việc có hẳn một cộng đồng, người này truyền tai người kia, tạo ra tâm lý "đám đông" rất cao, và nhà đầu tư dễ bị cuốn theo đó. Người rủi ro là người cầm "cục than hồng" sau cùng!
Trên đây chỉ là một số thí dụ điển hình. Trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục đón thêm nhiều nhà đầu tư mới, mỗi tháng có 100 nghìn tài khoản mở mới-là tác nhân giúp thị trường vượt đỉnh 1.420, hướng đến 1.500-1.550 điểm. Trong đà tăng này, nhóm cổ phiếu penny đang có mức tăng rất mạnh-vốn là nhóm được đánh giá thuộc về các doanh nghiệp không có nhiều lợi thế cạnh tranh, hoạt động kinh doanh yếu kém-đã tăng bằng lần. Nổi bật nhất, có thể kể đến là nhóm cổ phiếu bất động sản, bất kể doanh nghiệp kinh doanh lãi lỗ, khó khăn ra sao trong các năm trước và trong cả mùa COVID-19 (quý III/2021), cổ phiếu vẫn theo đà tăng mạnh mẽ.
Với nhóm bất động sản, tư duy và các định giá "cổ đất" thời nay theo kiểu: "bơm" tiền cứu kinh tế, áp lực lạm phát gia tăng, dĩ nhiên tiền sẽ vào kênh trú ẩn là đất! Vậy là, cứ luận số ha đất của doanh nghiệp bất động sản, quy ra giá thị trường để định giá "cổ đất" trên sàn. Cũng bởi lẽ đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng vọt, trong đó có những doanh nghiệp đang thua lỗ...
Điều rủi ro nhất, là nhà đầu tư đang giao dịch theo kiểu "phong trào", bị cuốn vào đà tăng cổ phiếu mà không có chiến thuật phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt là khi các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch chỉ được giao dịch ngày thứ sáu, hay dòng penny, đầu cơ trần liên tục... Bởi thị trường đầu tư luôn dao động như quả lắc giữa bi quan và lạc quan, giữa vội vàng mua vào và hoảng loạn bán ra. Do vậy, các nhà đầu tư cần tỉnh táo nhận biết về thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có lựa chọn đầu tư thông minh.
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, cần tăng mức xử phạt, thanh tra giám sát chặt chẽ hơn và có những cảnh báo sớm hơn với các cổ phiếu có "dấu hiệu" để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường.