Hiệu ứng FOMO khiến thị trường chứng khoán tăng nóng?
Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng nóng, nhưng không theo một mô hình hay quy luật nào. Dòng tiền không còn phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu Blue-chips, mà được tạo ra chủ yếu từ nhóm Midcap và smallcap (vốn hoá vừa và nhỏ).
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn, báo lãi khủng thì thị giá cổ phiếu lừng khừng đi ngang, không tăng như kỳ vọng và không đủ lực để dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp nhỏ, không có lãi lớn thậm chí thua lỗ lại tăng trần. Mặc dù có nhiều mã vượt giá trị thật, nhưng vẫn đang được giao dịch sôi động. Diễn biến thị trường giai đoạn này phụ thuộc hoàn toàn vào dòng tiền. Dòng tiền lại phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư.
Thực tế, sức mạnh của dòng tiền đang ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của VN-Index giai đoạn hiện nay. Bất chấp những thông tin thiếu tích cực, kỷ lục thanh khoản vẫn được xác lập trên thị trường với giao dịch gần 2 tỷ USD/phiên.
Hơn 130 nghìn tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 10 chính là bằng chứng về dòng tiền mới gia nhập. Đáng chú ý, dòng vốn mới này đang chảy rất nhanh về các nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, tạo nên cơn sóng mới, thậm chí nới lỏng biên độ ở sàn UPCOM tới 15%.
Ông Nguyễn Việt Quang - Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, giai đoạn thị trường này là giai đoạn của dòng tiền. Những cổ phiếu hay nhóm ngành nào có dòng tiền vào đều sẽ tăng giá rất nhanh và mạnh tạo hiệu ứng FOMO - tâm lý sợ bị bỏ lỡ trên thị trường.
Hiện, một loạt nhà đầu tư cá nhân bị cuốn theo tâm lý FOMO, tranh mua tất cả các cổ phiếu, không cần biết doanh nghiệp niêm yết đó kinh doanh hiệu quả hay không, chỉ với suy nghĩ “cứ mua là có lãi”. Đôi khi, tâm lý hưng phấn của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt những người mới tham gia thị trường (F0) quên mất rủi ro.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán KB (KBS), thị trường thăng hoa nhờ yếu tố kỳ vọng nền kinh tế phục hồi. Hơn nữa, thị trường cũng có giai đoạn tích lũy khá lâu trước khi bứt phá. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ điều kiện thị trường nào, yếu tố rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn, đặc biệt tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn khống chế được.
Ngoài ra, tâm lý kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế đã gọi tên nhiều nhóm ngành có thể hưởng lợi như xây dựng, bất động sản... Tuy nhiên chuyên gia này khuyến cáo, nhà đầu tư cũng cần tính đến rủi ro khi quy mô các gói kích thích không được như kỳ vọng, hoặc vì lý do khách quan mà không giải ngân được ngay.
Mặc dù về mặt thị trường, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể nương theo dòng tiền trong các giao dịch ngắn hạn, nhưng cũng nên tìm hiểu nhất định về doanh nghiệp để nắm được những yếu tố cơ bản. Tâm lý “mua đuổi giá” sẽ có rủi ro cao. Các cổ phiếu chưa tăng nóng, có quá trình tích lũy hay mô hình kỹ thuật đẹp sẽ an toàn hơn.
Nếu như, trong sóng tăng của thị trường, những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt, nội lực lớn, kinh doanh hiệu quả thì chuyện tăng trần là điều dễ hiểu. Nhưng đối với những doanh nghiệp quá phụ thuộc đòn bẩy tài chính, thậm chí tài sản được hình thành từ nợ, kinh doanh thua lỗ mà cổ phiếu vẫn “tăng xanh, tăng tím” thì nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc, không nên quá mạo hiểm.