Ấn tượng thị trường trái phiếu chính phủ năm 2016

PV.

2016 có thể coi là năm thành công rực rỡ nhất của thị trường trái phiếu chính phủ từ ngày thành lập đến nay. Năm 2016 cũng ghi nhận mốc lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra thị trường trái phiếu chính phủ kỳ hạn 7 năm và đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tài chính thực hiện việc hoán đổi trái phiếu kéo dài kỳ hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Năm 2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu huy động vốn trái phiếu chính phủ năm 2016. Theo đó, tính đến tuần đầu tháng 12/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động gọi thầu 4.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn huy động 30 năm là 500 tỷ đồng và kỳ hạn 5 năm là 4.000 tỷ đồng.

Kết thúc kỳ phát hành trái phiếu chính phủ của tuần này, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã khép lại một năm huy động thành công và về đích sớm công tác huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước bằng việc đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), với tổng đạt hơn 281.294 tỷ đồng.

Với tổng mức phát hành trong năm sau hai lần điều chỉnh tăng đã lên tới 281.000 tỉ đồng từ mức phê duyệt ban đầu 220.000 tỉ đồng, năm 2016 có thể nói là năm “bội thu” và sôi động nhất trong lịch sử từ trước tới nay của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

Việc Bộ Tài chính cán đích huy động khối lượng vốn lớn này qua kênh trái phiếu đã giúp giảm đáng kể gánh nặng cho nguồn thu ngân sách quốc gia năm nay. Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu trong nước đã giúp áp lực huy động vốn bằng trái phiếu nhẹ hơn nhiều.

Năm 2016 cũng ghi nhận mốc lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra thị trường TPCP kỳ hạn 7 năm. Năm 2016 cũng là lần đầu tiên Bộ Tài chính thực hiện việc hoán đổi trái phiếu kéo dài kỳ hạn. Theo đó, ngày 2/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2388/QĐ-BTC phê duyệt phương án hoán đổi TPCP năm 2016 cho phép KBNN thực hiện thí điểm hoán đổi kéo dài kỳ hạn TPCP.

Thành công này đã tạo điều kiện để Bộ Tài chính có thêm công cụ thực hiện tái cơ cấu danh mục TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn vay bình quân của cả danh mục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công theo chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường TPCP năm 2016 đã có những bước phát triển “nhảy vọt” trên nhiều phương diện là do kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản của các tổ chức tín dụng tốt, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường tiền tệ đều giảm… đã hỗ trợ tích cực cho công tác phát hành, giao dịch TPCP.  

Trong công tác tổ chức và điều hành thị trường, trên cơ sở khuôn khổ pháp lý về phát hành TPCP được ban hành đầy đủ, đồng bộ, thị trường TPCP đã được tổ chức và vận hành theo thông lệ quốc tế. Theo đó, trên thị trường sơ cấp, TPCP được tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu và đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục mục tiêu phát triển thị trường TPCP chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế, HNX sẽ tiếp tục cải cách công tác phát hành; Củng cố cơ sở nhà đầu tư thị trường; Phát triển sản phẩm, công cụ giao dịch mới - phái sinh; Tham gia nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thanh toán; Nghiên cứu phương pháp xây dựng mới với đường cong lợi suất, tận dụng thị trường thanh khoản tốt hơn…

Trên thị trường thứ cấp, hạ tầng công nghệ tổ chức đấu thầu luôn được cải tiến và hoàn thiện, việc áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử đã nâng cao hiệu quả công tác phát hành TPCP, giúp thành viên đấu thầu giảm thiểu chi phí môi giới, rút ngắn thời gian tham gia đấu thầu cho cả nhà đầu tư (NĐT), thành viên.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức tham vấn các thành viên thị trường, trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các thành viên thị trường để điều hành thị trường TPCP về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất một cách phù hợp, hiệu quả, đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, KBNN đã công bố kế hoạch phát hành và lịch biểu chi tiết để các thành viên thị trường chủ động tham gia đầu tư trên thị trường TPCP.Cùng với đó, các thành viên đấu thầu TPCP ngày càng hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, điều này đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành khối lượng phát hành TPCP tính đến thời điểm hiện nay.

Bên cạnh thành viên đấu thầu là các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty chứng khoán, sự tham gia ngày càng tích cực của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Tiền gửi trên thị trường TPCP đã cho thấy cơ sở NĐT trên thị trường TPCP đã có sự thay đổi theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, tăng tỷ lệ đầu tư trung và dài hạn trên thị trường TPCP.

 Thị trường TPCP Việt Nam hình thành từ năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay thị trường TPCP phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

 Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bằng những giải pháp và bước đi chặt chẽ, hiệu quả, tin rằng thị trường TPCP sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, hướng đến một thị trường TPCP phát triển toàn diện, mạnh mẽ, sánh ngang với thị trường trái phiếu của các nước đã phát triển trong khu vực và trên thế giới.