Ảnh hưởng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến thu hút vốn đầu tư tại Ninh Bình
Bài viết này làm sáng tỏ ảnh hưởng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến thu hút vốn đầu tư tại tỉnh Ninh Bình. Áp dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, phương pháp mô tả và so sánh, sử dụng số liệu thứ cấp, kết quả của bài báo cho thấy, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Bình có giảm trong thời gian gần đây nhưng tổng vốn đầu tư vẫn tăng lên với nhiều tỷ lệ phần trăm khác nhau, không phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ thay đổi của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đặt vấn đề
Ninh Bình là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía Nam của đất nước, kết nối giữa phía Bắc Trung bộ với phía Nam Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội để kết nối lên khu vực Tây Bắc. Với nhiều lợi thế trong giao lưu, phát triển kinh tế, giai đoạn 2015 – 2020, tăng trưởng kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,03%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng tăng lên 45%, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 8,5-9%. Cơ cấu kinh tế nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ 5,35%; công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ 47,92%; dịch vụ chiếm tỷ lệ 35,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ lệ 11,19%. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 – 2025 là 5,27 tỷ USD; giai đoạn 2026 – 2030 là 6,4 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư hàng năm giai đoạn 2021 – 2025 trung bình 1,05 tỷ USD/năm và trung bình 1,28 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2026 – 2030 (Cục Thống kê Ninh Bình). Để huy động vốn, Ninh Bình sẽ phải tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả về thu, chi ngân sách, tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Những năm trước đây, Ninh Bình có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, tuy nhiên, thứ tự xếp hạng so với các tỉnh thành khác giảm đi trong 5 năm trở lại đây. Năm 2018, Ninh Bình xếp hạng 29 thì đến năm 2020 và 2021, xếp hạng của Ninh Bình giảm mạnh, đứng thứ hạng 58/63 tỉnh, thành và được coi là thấp nhất trong nhiều năm qua và đứng vào nhóm những tỉnh thấp nhất cả nước. Đến năm 2022, xếp hạng của Ninh Bình tuy đã được cải thiện, tăng 14 bậc so với năm 2021, nhưng vẫn xếp hạng 44/63 tỉnh thành.
Sự sụt giảm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình liệu có ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Tỉnh hay không là một vấn đề cần được làm rõ và có tính cấp thiết. Trên cơ sở đó chính quyền tỉnh sẽ có một cái nhìn tổng thể về mối liên hệ giữa PCI và khả năng thu hút vốn đầu tư, giúp các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu rõ được nguyên nhân làm chỉ số PCI giảm điểm, từ đó có những giải pháp hữu hiện cải thiện chỉ số PCI, năng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Năng lực cạnh tranh địa phương
Michael Porter (1990) đưa ra khái niệm và mô hình đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia, sau đó được điều chỉnh và áp dụng trong đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương, có thể là một vùng lãnh thổ, một quốc gia, tỉnh hoặc thành phố. Theo đó, năng lực cạnh tranh của địa phương được đánh giá bởi các yếu tố và sự phối hợp của các yếu tố: (1) Mức độ cạnh tranh/hợp tác giữa các DN; (2) Dung lượng thị trường địa phương thể hiện thông qua quy mô và cơ cấu nhu cầu của địa phương - phản ánh mức độ hấp dẫn về cơ hội kinh doanh tại địa phương; (3) Trình độ lành nghề của nhân công thể hiện thông qua số lượng và chất lượng lực lượng lao động của địa phương; (4) Các ngành công nghiệp phụ trợ phản ánh khả năng đảm bảo các yếu tố đầu vào và dịch vụ phục vụ kinh doanh cho các DN; và (5) Chính quyền địa phương: thể hiện thông qua các hoạt động của chính quyền hướng tới tạo dựng, duy trì và phát triển các nguồn lực của địa phương và phối hợp các yếu tố tạo dựng lợi thế cạnh tranh.
PCI là khả năng tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, lành mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nâng cao PCI là yêu cầu tất yếu đặt ra trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế (Nguyễn Thị Thu Hà, 2008).
PCI là khả năng “ganh đua”, cạnh tranh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở lợi thế của địa phương trong mối quan hệ liên kết với những địa phương khác trong phạm vi quốc gia (Phan Nhật Thanh, 2010).
PCI được nghiên cứu xuất phát từ một phạm vi, không gian, thời gian riêng biệt của mỗi tỉnh mà ở đó có nhiều yếu tố tác động, thay đổi theo của các chủ thể khác nhau. Vì vậy, PCI xuất phát từ sự tổng hợp các thế mạnh của địa phương được phát huy tối đa. Quá trình này được diễn ra nhịp nhàng, với tư duy kinh tế của đội ngũ lãnh đạo tỉnh kết hợp với lợi thế của địa phương, từ đó có các chính sách hợp lý, hiệu quả hơn so với các tỉnh, thành phố khác (Đỗ Minh Trí, 2015).
Năng lực cạnh tranh của địa phương được hiểu là khả năng của địa phương trong việc thu hút khách hàng. Khách hàng địa phương gồm các nhóm chính sau: các nhà đầu tư, du khách, người lao động và thị trường xuất khẩu. Trong đó, các nhà đầu tư – DN mang theo vốn, công nghệ, tinh thần khởi nghiệp, kinh nghiệm kinh doanh… đến địa phương và kinh doanh tại địa phương giúp mang lại việc làm, thu nhập cho người dân; góp phần vào giá trị sản phẩm địa phương (GDP) và tăng thu ngân sách; giúp giảm thất nghiệp và các tệ nạn xã hội; nâng cao khả năng khai thác các nguồn lực hiện có của địa phương… (Hồ Chí Dũng và cộng sự, 2018).
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Chỉ số PCI đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩ̉y sự phát triể̉n của khu vực kinh tế tư nhân.
PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng (tương ứng với 10 chỉ số thành phần của PCI) đối với sự phát triển của các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Các chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN dễ tiếp cận và phù hợp với DN; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm: (i) Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu đã công bố khác; (ii) Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa trên thang điểm 10; và (iii) Gán trọng số và tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình có trọng số của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm tối đa 100.
PCI không chỉ có mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi chỉ số PCI của một địa phương sẽ tương ứng với sự thay đổi của các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của các DN đang hoạt động ở địa phương đó. Chẳng hạn, việc tăng một điểm của chỉ số tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số DN trên 1.000 dân, tăng 17% vốn đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN; cải thiện một điểm trong chỉ số đào tạo lao động giúp tăng 30% số DN trên 1.000 dân, 47% vốn đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN (Báo cáo PCI năm 2020).
Phương pháp nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu
Mục đích chính của bài viết này là làm sáng tỏ ảnh hưởng của PCI đến thu hút vốn đầu tư, nghiên cứu trường hợp của tỉnh Ninh Bình.
Phương pháp nghiên cứu và thu thập dữ liệu
Phương pháp nghiên cứu chính của bài viết này là phương pháp nghiên cứu tại bàn định tính, phương pháp tổng hợp thống kê và so sánh đơn giản, sử dụng độ co giãn để phân tích tác động của sự thay đổi PCI đến vốn đầu tư.
Phân tích dựa trên tài liệu và dữ liệu thứ cấp từ Tổng cục Thống kê, Báo cáo kinh tế xã hội thường niên của UBND tỉnh Ninh Bình, Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, Báo cáo PCI hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tổng quan về phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2022
Trong giai đoạn 2018–2020, giá trị GRDP của tỉnh và GRDP bình quân đầu người đều tăng qua các năm (Bảng 1). Nếu so sánh riêng hai năm 2018 và 2022 thì giá trị GRDP của Ninh Bình đã tăng 34,5% và GRDP bình quân đầu người đã tăng 68%. Xét về tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn ở mức khá cao và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng GRDP giảm đáng kể, từ 10,02% (năm 2019) xuống còn 6,78% (năm 2020) và 5,71% (năm 2021), nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước trong hai năm này là 2,74%. Những con số trên cho thấy sự tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng của Ninh Bình trong 5 năm qua.
Bảng 1: GRDP của Ninh Bình giai đoạn 2018-2022 (theo giá so sánh năm 2010) |
||||||
Các chỉ số |
Đơn vị |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
GRDP |
Tỷ đồng |
36.893,0 |
38.495,7 |
42.517,2 |
45.426,9 |
49.638,8 |
GRDP bình quân đầu người |
Triệu đồng |
48,5 |
60,5 |
64,9 |
72,0 |
81,5 |
Tốc độ tăng GRDP |
% |
9,27 |
10,02 |
6,78 |
5,71 |
8,62 |
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam |
% |
7,08 |
7,02 |
2,91 |
2,58 |
8,02 |
Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình các năm từ 2018-2022 của UBND tỉnh Ninh Bình và Tổng cục thống kê
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, theo đúng định hướng phát triển của Tỉnh: Đến năm 2030, công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng và về lâu dài du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển về du lịch – dịch vụ bền vững chất lượng cao, có nền công nghiệp hiện đại.
Trong các năm từ 2018-2021, tỷ trọng của ngành Dịch vụ giảm dần do doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh bị giảm sút mạnh, chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sang năm 2022, ngành dịch vụ đã dần lấy lại được vị thế là ngành “mũi nhọn” với tỉ trọng tăng đáng kể từ 41,31% lên 44,19%, giá trị GRDP ngành dịch vụ năm 2021 (theo giá hiện hành) là 25.119,8 tỷ đồng tăng lên 30.213,5 tỷ đồng năm 2022.
Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2022
PCI với các chỉ số thành phần và xếp hạng của tỉnh Ninh Bình được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2: Tổng hợp chỉ số PCI tỉnh Ninh Bình từ năm 2018-2022 |
|||||
Chỉ số/Năm |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Điểm tổng hợp PCI |
63.55 |
64.58 |
61.98 |
60.53 |
64.22 |
Xếp hạng toàn quốc |
29 |
39 |
58 |
58 |
44 |
Xếp hạng khu vực đồng bằng sông Hồng |
7 |
9 |
11 |
11 |
10 |
Điểm số chỉ tiêu thành phần của PCI |
|||||
Gia nhập thị trường |
7.46 |
6.74 |
7.15 |
6.20 |
6.53 |
Tiếp cận đất đai |
6.19 |
6.98 |
6.91 |
6.33 |
7.12 |
Tính minh bạch |
5.26 |
6.39 |
5.09 |
4.60 |
5.69 |
Chi phí thời gian |
6.62 |
7.04 |
7.54 |
6.71 |
7.69 |
Chi phí không chính thức |
6.35 |
5.81 |
6.74 |
7.56 |
6.96 |
Cạnh tranh bình đẳng |
4.72 |
6.11 |
6.78 |
7.57 |
5.90 |
Tính năng động |
5.55 |
6.25 |
6.10 |
5.54 |
6.20 |
Chính sách hỗ trợ DN |
6.31 |
5.63 |
4.76 |
4.98 |
5.17 |
Đào tạo lao động |
7.91 |
7.29 |
7.37 |
6.93 |
6.40 |
10. Thiết chế pháp lý |
5.93 |
7.18 |
7.14 |
7.54 |
7.35 |
Nguồn: Tính toán từ Báo cáo PCI của VCCI từ năm 2018-2022
Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Bình bị tụt giảm nhanh chóng từ năm 2018 đến năm 2021. Hai năm liên tiếp, năm 2020 và 2021, Ninh Bình xếp hạng 58/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và 11/11 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng, giảm 29 bậc so với năm 2018 và rơi vào nhóm tỉnh có điểm số PCI thấp nhất cả nước. Năm 2022, tuy thứ hạng của tỉnh có tăng lên 14 bậc, xếp thứ 44/63 toàn quốc, nhưng vẫn là xếp 10/11 của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Sự sụt giảm thứ hạng này đặt ra vấn đề lớn cho chính quyền tỉnh Ninh Bình về chất lượng điều hành đối với khu vực kinh tế tư nhân và đòi hỏi chính quyền tỉnh cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách và chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh.
Nguyên nhân của sự giảm điểm số và thứ hạng PCI của Ninh Bình trong giai đoạn trên chủ yếu là do các chỉ số thành phần bị thấp điểm và giảm điểm. Các chỉ số thành phần có điểm số thấp là Tính minh bạch, Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số của các chỉ số trên đều dưới 6,4 trong các năm 2018-2022 và luôn ở mức thấp so với các tỉnh khác. Thêm vào đó, các chỉ số có điểm số cao năm 2018 đều bị giảm điểm đáng kể qua các năm, ví dụ như chỉ số Gia nhập thị trường, giảm từ 7,46 xuống 6,53 và chỉ số Đào tạo lao động giảm từ 7,91 xuống 6,40 từ năm 2018 đến năm 2022.
So sánh sự thay đổi xếp hạng PCI của Ninh Bình với các tỉnh trong cùng khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Hai năm 2019-2020 là giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng nổ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các DN, ngoại trừ Quảng Ninh và Hải Phòng, các tỉnh còn lại trong khu vực này đều có chỉ số PCI giảm điểm. Nhưng khi so sánh về thứ hạng thì có 4 tỉnh giảm thứ hạng, trong đó Ninh Bình giảm 9 bậc, chỉ đứng sau Vĩnh Phúc giảm 12 bậc, sự tụt giảm này đưa Ninh Bình về nhóm xếp cuối cùng của bảng xếp hạng toàn quốc với thứ hạng 58/63 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2020-2021, là giai đoạn các DN và chính quyền các tỉnh phải tìm cách thích ứng và vượt qua khó khăn của đại dịch, thì 7/11 tỉnh ở khu vực này đều có sự gia tăng điểm số và thăng hạng mạnh mẽ, ví dụ như Vĩnh Phúc đã tăng 24 bậc từ hạng 29 năm 2020 lên hạng 5 năm 2021. Trong khi đó, Ninh Bình tiếp tục đà giảm điểm, giữ nguyên thứ hạng thứ 11/11 của khu vực đồng bằng sông Hồng và 58/63 trên toàn quốc. Điều này cho thấy, chính quyền tỉnh Ninh Bình chưa có những giải pháp và chính sách thực sự hiệu quả để giúp các DN ổn định lại sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Vốn đầu tư phát triển của tỉnh Ninh Bình
Bảng 3: So sánh thay đổi của PCI Ninh Bình giai đoạn 2018 – 2022 |
|||||||
Năm |
Điểm tổng hợp PCI |
Tăng/giảm PCI so với năm trước |
Xếp hạng PCI toàn quốc (/63 tỉnh, thành phố) |
Xếp hạng khu vực Đồng bằng sông Hồng (/11 tỉnh, thành phố) |
|||
± điểm |
± % |
Xếp hạng |
Tăng/giảm bậc xếp hạng |
Xếp hạng |
Tăng/giảm bậc xếp hạng |
||
2018 |
63.55 |
“ |
“ |
29 |
“ |
7 |
“ |
2019 |
64.58 |
1,03 |
1,6% |
39 |
-10 |
9 |
-2 |
2020 |
61.98 |
- 2,6 |
- 4,0% |
58 |
-19 |
11 |
-2 |
2021 |
60.53 |
- 1,45 |
- 2,3% |
58 |
0 |
11 |
0 |
2022 |
64.22 |
3,69 |
6,1% |
44 |
+14 |
10 |
+1 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp và tính toán từ Báo cáo PCI của VCCI từ năm 2018-2022
Bảng 4: Tổng vốn và cơ cấu vốn đầu tư phát triển Ninh Bình 2018 – 2022 (Tỷ đồng; %) |
||||||||||
Nguồn vốn |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
|||||
Số lượng |
Tỷ trọng (%) |
Số lượng |
Tỷ trọng (%) |
Số lượng |
Tỷ trọng (%) |
Số lượng |
Tỷ trọng (%) |
Số lượng |
Tỉ trọng (%) |
|
Vốn đầu tư Nhà nước |
2.323,00 |
10,2 |
2.266,70 |
9,56 |
3.792,40 |
15,18 |
5.191,90 |
19,31 |
5.531,80 |
18,47 |
Vốn đầu tư ngoài Nhà nước |
18.746,80 |
82,38 |
19.250,10 |
81,21 |
19.127,90 |
76,55 |
20.132,50 |
74,86 |
21.109,70 |
70,48 |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) |
1.687,90 |
7,42 |
2.187,10 |
9,23 |
2.065,60 |
8,27 |
1.569,20 |
5,83 |
3.308,20 |
11,05 |
Tổng vốn đầu tư |
22.757,70 |
100 |
23.703,90 |
100 |
24.985,90 |
100 |
26.893,60 |
100 |
29.949,70 |
100 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo Kinh tế Xã hội tỉnh Ninh Bình 2018-2022
Bảng 5: So sánh tăng/giảm điểm chỉ số PCI và vốn đầu tư 2018 – 2022 |
|||||
TT |
Chỉ tiêu |
2019/2018 |
2020/2019 |
2021/2020 |
2022/2021 |
1 |
Điểm tổng hợp PCI |
1.6% |
-4.0% |
-2.3% |
6.1% |
2 |
Tổng vốn đầu tư |
4.16% |
5.41% |
7.64% |
11.36% |
2.1 |
Vốn đầu tư nhà nước |
-2.42% |
67.31% |
36.90% |
6.55% |
2.2 |
Vốn đầu tư ngoài nhà nước |
2.68% |
-0.63% |
5.25% |
4.85% |
2.3 |
Vốn đầu tư nước ngoài FDI |
29.58% |
-5.56% |
-24.3% |
110.82% |
3 |
Hệ số co giãn vốn đầu tư/PCI |
2.60 |
-1.53 |
-3.32 |
1.86 |
3.1 |
Hệ số co giãn vốn đầu tư nhà nước/PCI |
-1.51 |
-16.83 |
-16.04 |
1.07 |
3.2 |
Hệ số co giãn vốn đầu tư ngoài nhà nước/PCI |
1.68 |
0.16 |
-2.28 |
0.80 |
3.3 |
Hệ số co giãn vốn đầu tư nước ngoài FDI /PCI |
18.49 |
1.39 |
10.57 |
18.17 |
Nguồn: Tác giả, 2023
Trong giai đoạn 2018 -2022, cơ cấu vốn đầu tư của tỉnh Ninh Bình là vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng cao nhất, tiếp đến là vốn đầu tư nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỉ trọng thấp nhất. Mặc dù cơ cấu vốn đầu tư của từng thành phần có xu hướng thay đổi, nhưng tỉ trọng vốn của các thành phần trong tổng vốn đầu tư vẫn không đổi. Tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước giảm đi (từ 82,38% xuống còn 70,48%), tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước tăng lên (từ 10,20% lên 18,47%), tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, đặc biệt là năm 2022 (từ 7,42% lên 11,05%), nhưng vẫn giữ một tỷ lệ khiêm tốn 11,05% trong tổng vốn đầu tư. Năm 2021, tỉ lệ vốn đầu tư giảm còn 5,83%, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, suy giảm kinh tế toàn cầu.
Điều đó cho thấy, Ninh Bình vẫn còn có nhiều dư địa để thu hút thêm FDI và giữ chân các doanh nghiệp tư nhân trong nước, mở rộng đầu tư. Trong tương lai gần, nếu các dòng vốn tư nhân và FDI tăng lên, thay thế dần cho dòng vốn nhà nước, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách tỉnh, phát huy được các dòng vốn xã hội hóa.
Quy mô tổng vốn đầu tư giai đoạn 2018 – 2022 đều tăng qua các năm, dù năm 2020 bị ảnh hưởng của COVID-19, với tốc độ tăng tương ứng là 4,16% năm 2018, 5,41% năm 2020, 7,64% năm 2020, và 11,36% năm 2022. Có thể thấy, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư năm 2022 có sự gia tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2018 – 2022, tăng 1,31 lần so với năm 2018 hay 31,60%. Năm 2019, trong khi vốn đầu tư nhà nước giảm (-2,42%) thì vốn ngoài nhà nước và FDI đều tăng (tương ứng 2,68% và 29,58%). Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xu hướng FDI giảm, tương ứng năm 2020 và 2021 là 5,56% và 24,3%, vẫn tăng. Năm 2022, FDI gia tăng mạnh, tỷ lệ là 110,82%.
Mối quan hệ giữa Chỉ số năng lực cạnh tranhcấp tỉnh và vốn đầu tư
Dù PCI tăng giảm qua các năm, nhưng, tổng vốn đầu tư của tỉnh vẫn tăng. Năm 2022, mức tăng tổng vốn đầu tư cao nhất, 11,36% tương ứng với PCI được cải thiện 3,69 điểm hay 6,1%.
Vốn đầu tư nhà nước trong các năm 2020, 2021, 2022 tăng. Cụ thể, năm 2020 và 2021 tăng nhiều nhất (67,31% và 36,9%), dù PCI bị giảm điểm. Sự gia tăng của vốn đầu tư nhà nước là do tăng khu vực đầu tư công, chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng như các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới, dự án nâng cấp tuyến đê hữu, dự án xây dựng tuyến đường Bái Đính (Ninh Bình) - Ba Sao (Hà Nam), các dự án xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình điện, mua sắm máy móc, thiết bị; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (Giai đoạn 1),dự án xây dựng tuyến đường đô thị kết nối với quốc lộ 1A, với quốc lộ 10, dự án cải tạo nâng cấp đường đô thị; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An và các dự án thành phần khác...
Năm 2022, mặc dù PCI tăng mạnh (3,69 điểm hay 6,15%), nhưng vốn nhà nước chỉ tăng 6,55%. Điều này do FDI tăng 110,82%, trong khi vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng ít 4,85%. Năm 2020, 2021, FDI giảm 5,56% và 24,3%, tương ứng khi PCI bị giảm điểm.
Năm 2019, nếu như PCI tăng 1% điểm, thì vốn đầu tư tăng 2,6%, năm 2020 - 2021, PCI giảm 1% điểm, thì vốn đầu tư giảm 1,53% và 3,32%. Mức độ giảm của vốn đầu tư 2021 gần gấp hai lần so với 2020. Năm 2022, PCI cải thiện 1% điểm, vốn đầu tư tăng 1,86%. Mức tăng này thấp hơn so với năm 2019 là 1,26 điểm phần trăm. Năm 2019-2021, hệ số PCI và vốn đầu tư nhà nước có mối quan hệ ngược chiều. Khi điểm số PCI được cải thiện (hoặc giảm) 1% thì vốn đầu tư nhà nước có lại giảm (hoặc tăng). Năm 2022, mối quan hệ này lại đảo chiều, điểm số PCI cải thiện 1% thì vốn nhà nước tăng 1,07%.
Sự gia tăng của vốn đầu tư ngoài nhà nước có mối quan hệ cùng chiều với sự gia tăng của điểm số PCI, ngoại trừ năm 2021. Nếu như năm 2019, vốn ngoài nhà nước tăng 1,68% thì đến năm 2022, vốn ngoài nhà nước chỉ tăng 0,8% khi điểm số PCI cải thiện 1%. Nhưng năm 2021, mối quan hệ này bị đảo chiều. Năm 2021, điểm số PCI giảm 1%, vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng 2,28%.
Sự gia tăng của FDI đối với điểm số PCI có quan hệ cùng chiều khá rõ, khi điểm số PCI tăng 1% thì FDI tăng 18,49% năm 2019, tăng 1,39% năm 2020, tăng 10,57% năm 2021 và 18,17% năm 2022. Năm 2020, mức tăng chỉ đạt 1,39%, giảm mạnh so với năm trước đó là do đại dịch COVID-19, FDI sụt giảm mạnh. Năm 2021, FDI tăng khi chỉ số PCI cải thiện. Tuy nhiên, mức độ tăng FDI của 2022 thấp so với năm 2019 là do năm 2021, các tiêu chí đánh giá của chỉ số thành phần PCI được thay đổi đã ảnh hưởng đến kết quả điểm số PCI.
Vốn đầu tư ngoài nhà nước, chủ yếu là các dự án xây dựng nhà máy nước sạch và mạng lưới đường ống cung cấp nước của doanh nghiệp tư nhân, dự án xây dựng nhà xưởng của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Hạ tầng ô tô Thành Công, dự án nhà máy xi măng, dự án xây dựng chợ đầu mối, xây dựng khu Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân Golf, trung tâm thương mại, nhà hàng... của các doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm 17 dự án, thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, xử lý nước thải, rác thải, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến thoát lũ, kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Hoàng Long, trồng tre chắn sóng đoạn từ cầu Trường Yên đến cầu Gián Khẩu, dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh, Dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập tỉnh Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng Âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng cho 06 huyện, thành phố khu vực phía Nam tỉnh Ninh Bình...
Có thể thấy, sự tăng giảm của PCI ảnh hưởng tới FDI hơn so với vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư nhà nước. Sự gia tăng của vốn đầu tư nhà nước và ngoài nhà nước những năm PCI bị giảm điểm bù đắp được sự giảm trong vốn đầu tư FDI. Khi PCI được cải thiện (2022), sự gia tăng mạnh mẽ của vốn FDI đã giúp cho tổng vốn đầu tư của tỉnh sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn.
Kết luận
PCI là nguồn thông tin khách quan cho chính quyền cấp tỉnh và chính quyền Trung ương trong việc hoạch định và thực thi chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ cho các bên có liên quan triển khai các hoạt động giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, đồng thời là đầu vào ngày một quan trọng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình cân nhắc địa điểm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, PCI là chỉ số đánh giá đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Thông thường, khi môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI có xu hướng tăng điểm và sẽ thu hút thêm vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khi chỉ số PCI giảm điểm, sẽ có khả năng giảm khả năng cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng tới việc giảm thu hút vốn đầu tư.
Để tăng thu hút được vốn đầu tư FDI vào địa bàn tỉnh, cần có những giải pháp và chính sách hữu hiệu hơn để hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chỉ số, cũng như cải cách môi trường kinh doanh của tỉnh, bao gồm khung khổ chính sách, pháp luật, phương pháp quản trị, hoạch định và thực thi chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách thu hút hợp tác công tư PPP trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp tăng khả năng thu hút vốn ngoài nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
- Porter, M.E. (2008). Về Cạnh Tranh. Phiên bản cập nhật và mở rộng. Boston: NXB Trường Kinh doanh Harvard;
- Phạm Xuân Tiến (2016). Nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư để phát triển thương mại trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại;
- Trần Thị Thanh Xuân (2018). Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bắc Giang, Luận án tiến sĩ, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên;
- Báo cáo Tổng hợp Kinh tế Xã hội tỉnh Ninh Bình các năm 2018-2022. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình;
- Báo cáo PCI các năm 2018-2022; http://pcivietnam.org/about_pci.php.