Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm giá vật tư tăng
Dịch bệnh kéo dài, không chỉ công nhân thất nghiệp, ảnh hưởng thu nhập, đời sống mà nông dân cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khá lớn, bởi nông sản, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ. Có những nơi vào vụ thu hoạch lúa, nhưng không đủ máy gặt, ảnh hưởng năng suất, chất lượng lúa thương phẩm… Mặc dù chính quyền các cấp chung tay gỡ khó, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng giá bán vẫn thấp, nông dân không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Trước tình hình trên, tùy loại nông sản phải bỏ hoặc bán giá thấp, mang cho các bếp ăn 0 đồng tại các địa phương hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, Ông Dương Huy Bảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: hiện giá các loại nông sản giảm mạnh, lúa, dừa, bò, heo, gà, vịt… đều rớt giá. Có nơi đến lúc thu hoạch nhưng không ai mua, giá heo hơi hiện chỉ còn 52.000 - 55.000 đồng/kg, lúa giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với trước. Trong khi đó, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc, gas lại tăng cao, trong đó, nhiều mặt hàng phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 20 - 30%.
Hiện nông dân ở Mỹ Chánh đang vào vụ thu hoạch lúa với hơn 1.860ha vụ hè - thu, tuy năng suất năm nay đạt khá cao, hứa hẹn sản lượng nhiều nhưng việc thu hoạch chậm vì thiếu máy gặt. Ngoài ra, khoảng 250ha dừa cũng không ai đến mua vì thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Kim Luôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Chánh thông tin thêm: có nơi có máy vào gặt nhưng không có thương lái đến mua lúa, trong khi vài năm gần đây, nông dân địa phương chủ yếu bán lúa tươi, không có sân phơi. Vì vậy, nông dân đợi thương lái vào, thương lượng giá bán rồi mới gặt lúa. Do đó, nhiều hộ trước khi thu hoạch, một số hộ lo lắng do nghe giá lúa giảm, không có bạn hàng đến mua. Vì vậy, chính quyền địa phương liên hệ, tìm cách hỗ trợ người dân thu hoạch kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.
Trao đổi cùng nông dân Phạm Văn Biên, ấp Đầu Giồng A, một hộ thực hiện mô hình kinh tế hỗn hợp, vừa trồng lúa, màu, vừa nuôi bò, cá lóc. Ông Biên chia sẻ: dịch bệnh bùng phát, hiện giá lúa chỉ còn 5.200 đồng/kg mà không có người mua, giá phân bón thì tăng, vụ lúa này, nông dân cầm chắc thua lỗ, người nào thuê đất có thể sẽ lâm nợ. Nếu theo giá phân, thuốc hiện nay, giá lúa phải từ 6.500 - 6.700 đồng/kg thì nông dân mới có lợi nhuận. Riêng giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng từ 60.000 - 130.000 đồng/bao. Do đó, nông dân đề xuất chính quyền các cấp can thiệp nâng giá cho các mặt hàng nông sản, giúp nông dân có lợi nhuận phù hợp để duy trì sản xuất, đặc biệt không để thương lái ép giá gây thiệt thòi cho nông dân.
Các loại rau màu có nơi bán được nhưng có nơi ứ đọng bởi việc vận chuyển đi lại khó khăn trong khi nhiều vùng chuyên trồng màu, năng suất sản lượng cao nên tiêu thụ tại chỗ không hết. Tại xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành là vùng chuyên canh rau màu khá lớn với khoảng 150ha chuyên trồng màu. Nhiều nông dân đang khó khăn trong tiêu thụ, giá xuống thấp, nhất là các loại rau ăn lá, một số diện tích cải bẹ cùi đến thu hoạch chỉ bán giá 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Ông Bùi Phúc Duy, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: do sản lượng rau màu khá nhiều nên địa phương liên kết với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ nông sản tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số bếp ăn trong tỉnh, cùng san sẻ khó khăn trong đại dịch. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền người dân cố gắng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quan tâm chăm lo những gia đình nghèo, khó khăn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cùng chung tay vượt qua đại dịch.
Riêng tại vùng nuôi thủy sản 02 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, giá các loại tôm, cá cũng giảm khoảng 50% so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Việc vận chuyển, tiêu thụ vẫn được tạo điều kiện thuận lợi nhưng giá giảm do khó khăn trong vận chuyển ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lập, ấp Rạch Giồng, xã Long Hòa cho biết: giá tôm càng 08 - 10 con/kg trước đây khoảng 350.000 đồng/kg, tôm 10 - 12 con/kg giá 250.000 đồng/kg nhưng hơn 01 tháng nay giảm 50%. Tùy điều kiện ao hồ và kinh tế gia đình mà có hộ sẽ chịu lỗ bán tôm lúc này, hộ có điều kiện thì bẻ càng để nuôi tiếp nhưng phải cần vốn mua thức ăn để duy trì. Hy vọng dịch bệnh sớm qua, cuộc sống trở lại như trước.