Ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết trên TTCK Việt Nam

Phạm Hiếu, Đàng Quang Vắng - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ;Vương Quốc Duy - Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ

Nghiên cứu này đánh giá mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của 09 ngân hàng thương mại cổ phần được niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022. Sử dụng mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng, hệ số rủi ro tín dụng, hiệu quả về chi phí hoạt động, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tăng trưởng GDP ảnh hưởng lên hiệu quả về chi phí hoạt động tác động ngược chiều với khả năng sinh lợi của ngân hàng thương mại; biến tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều với khả năng sinh lợi của ngân hàng htương mại cổ phần.

Giới thiệu

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng khiến cho áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng mạnh mẽ. Các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) không ngừng chuyển đổi, thực hiện hiện đại hoá để mở rộng thị phần, nâng cao lợi nhuận. Trong đó, hoạt động tín dụng – cho vay đã và đang được mọi ngân hàng đẩy mạnh bởi nó mang lại nguồn thu nhập chủ yếu. Tín dụng tăng trưởng nóng, đặt các NHTMCP vào tình huống phải đối mặt với nợ xấu và rủi ro tín dụng (RRTD).

Thực tế cho thấy, chúng ta không thể loại bỏ được RRTD mà chỉ có thể làm hạn chế, giảm thiểu tác động của RRTD đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Một khi RRTD xảy ra, hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ bị sụt giảm đáng kể. Từ năm 2012 đến nay, quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTMCP liên tục diễn ra nhằm hạn chế RRTD, giảm nợ xấu, tái cơ cấu lại vốn và tài sản, nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh các NHTMCP cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nợ xấu là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động của các NHTMCP, đặc biệt tại Việt Nam. Hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản, mang lại nguồn thu nhấp lớn nhất song cũng là hoạt động mang lại rủi ro cao nhất cho các ngân hàng. Nợ xấu xuất hiện làm cho nguồn vốn của các NHTMCP bị thất thoát, trong khi đó, các ngân hàng này vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn huy động làm cho lợi nhuận sụt giảm. Nếu lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí thì ngân hàng phải dùng vốn tự có để bù đắp thiệt hại. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của các NHTMCP.

Bên cạnh đó, nếu tỷ lệ nợ quá cao sẽ ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin vào tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng, nghiêm trọng hơn tỷ lệ nợ quá cao có thể dẫn đến mất khả năng thanh khoản, đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản và đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm hiểu về vấn đề đánh giá mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTMCP niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam là vấn đề thiết thực, cần được nghiên cứu tìm hiểu sâu là rất cấp thiết các NHTMCP Việt Nam.

Lược khảo các công trình nghiên cứu

Các nghiên cứu trong nước

Trần Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Huân (2016) nghiên cứu về các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam trong giao đoạn 2005-2011 theo phương pháp SFA (Stochatic Frontier Panel Data). Trong đó kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả hoạt động của các NHTMCP chịu ảnh hưởng bởi hai nhóm nhân tố chính.

Nhân tố chủ quan tác động bao gồm: thị phần, rủi ro thanh khoản, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài và quy mô của ngân hàng. Các nhân tố khách quan bao gồm: tổng thu nhập quốc nội và lạm phát của nền kinh tế. Các nhân tố tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các NHTMCP bao gồm: tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, quy mô ngân hàng và thị phần của ngân hàng.

Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013) sử dụng số liệu thu thập của 39 NHTMCP ở Việt Nam trong giai đoạn 2005-2012 và mô hình hồi quy Tobit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này thông qua hai chỉ tiêu đánh giá là ROE và ROA.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng chi phí hoạt động trên doanh thu có tương quan nghịch với ROA và ROE; tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng cao thì lợi nhuận trên tổng tài sản càng cao, tuy nhiên điều này lại làm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm; tỷ lệ cho vay so với tổng tài sản càng cao thì lợi nhuận của NHTM càng cao; tỷ lệ nợ xấu càng cao thì hiệu quả hoạt động của các NHTM càng giảm; kết quả nghiên cứu cũng cho thấy NHTM Nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn so với các NHTM khác.

Các nghiên cứu ngoài nước

Gizaw và các cộng sự (2015) nghiên cứu tác động của RRTD đến hiệu quả hoạt động kinh doanh nhóm NHTM Ethiopia. Dữ liệu nghiên cứu thu thập từ 08 NHTM Ethiopia trong 10 năm từ 2003 đến 2012. Biến phụ thuộc tác giả sử dụng để đo lường lợi nhuận là biến tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) và các biến độc lập bao gồm: Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng RRTD, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR, tỷ lệ cho vay/vốn huy động. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ lệ dự phòng RRTD có tác động tích cực và tỷ lệ cho vay/vốn huy động không có ý nghĩa.

Kaaya và Pastory (2013) đã tiến hành phân tích tác động của RRTD lên hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua việc hồi quy dữ liệu bảng có sử dụng biến kiểm soát là quy mô ngân hàng. Mẫu nghiên cứu được lấy trong giai đoạn 2005 đến 2011 ở Tanzania thông qua 11 NHTM. Kết quả thu được cho thấy biến kiểm soát quy mô ngân hàng có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh và mô hình hồi quy giải thích được 64% tác động tiêu cực của RRTD đến lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa khi RRTD càng cao thì hiệu quả hoạt động kinh doanh càng thấp.

Ngoài các nghiên cứu trên, một số nghiên cứu còn tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của của NHTM như: yếu tố hình thức sở hữu (Shelagh Heffernan và Maggie Fu, 2008), yếu tố an toàn vốn (Gizaw và các cộng sự, 2015; Zulaiha Chua, 2013; Oke và các cộng sự, 2012; Alper và Anbar, 2011; Shelagh Heffernan và Maggie Fu; 2008), quy mô ngân hàng (Kaaya và Pastory, 2013; Zulaiha Chua, 2013; Alper và Anbar, 2011), loại thu nhập (Alper và Anbar, 2011; Shelagh Heffernan và Maggie Fu; 2008), yếu tố về nợ (Gizaw và các cộng sự, 2015; Oke và các cộng sự, 2012; Kargi, 2011) và các yếu tố vĩ mô (Zulaiha Chua, 2013; Alper và Anbar, 2011; Shelagh Heffernan và Maggie Fu; 2008). Tuy nhiên, yếu tố nợ xấu và xem xét tác động của nợ xấu đến hiệu quả hoạt động của NHTM ít được quan tâm nghiên cứu, nhất là đối với NHTMCP Việt Nam trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng gia tăng hiện nay.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu

Số liệu thứ cấp được thu thập, hệ thống hóa và tổng hợp từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 09 NHTMCP đó là VCB, BIDV, ACB, Vietinbank, NCB, STB, SHB, Eximbank, MB niêm yết từ năm 2012 đến năm 2022. Đây là 09 NHTMCP chiếm trên 90% thị phần hoạt động trên thị trường tín dụng của Việt Nam. Bên cạnh đó, các số liệu vĩ mô về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam được thu thập từ Tổng cục Thống kê và các Báo cáo thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Mô hình nghiên cứu

Từ nghiên cứu tổng quan, kế thừa các nghiên cứu đã thực hiện trong và ngoài nước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu có dạng:

ROEi,t , ROAi,t = α0 + β1NPLi,t + β2LTAi,t + β3LLRi,t + β4CARi,t + β5SIZEi,t + β6EFFi,t + β7NIIi,t + β8GDPi,t + β9INFi,t + β10RIRi,t + εit

Trong đó:

β là các hệ số hồi quy

i là số quan sát

t là số năm

Biến phụ thuộc ROA và ROE phản ánh hiệu quả hoạt động của các NHTMCP niêm yết. Các biến độc lập và dấu kỳ vọng được xác định dựa vào các nghiên cứu thực nghiệm ở trong nước và nước ngoài, bao gồm 3 nhóm biến thể hiện qua Bảng 1.

Bảng 1: Các biến và kỳ vọng về dấu của các hệ số tương quan

Nhóm biến

Biến số

Cơ sở biến

Diễn giải các biến

Cách tính

Dấu kỳ vọng

Hiệu quả hoạt động của ngân hàng

ROA

Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013)

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản

Lợi nhuận/ Tổng tải sản

 
 

ROE

Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013)

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu

Lợi nhuận/ Vốn chủ sở hữu

 

Biến đo lường nợ xấu

NPL

Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013), Kargi (2011)

Tỷ lệ nợ xấu

Nợ xấu/ Tổng dư nợ

-

 

LTA

Alper và Anbar (2011)

Hệ số RRTD

Tổng dư nợ/ Tổng tài sản Có

+/-

 

LLR

Oke và cộng sự (2012)

Tỷ lệ dự phòng RRTD

Dự phòng RRTD/ Tổng dư nợ

+/-

 

CAR

Gizaw và cộng sự (2015), Nguyễn Công Tâm và Nguyễn Minh Hà (2012)

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu

Vốn tự có/ Tổng tài sản Có rủi ro quy đổi

+/-

Biến thể hiện đặc điểm của ngân hàng

SIZE

Kaaya và Pastory (2013)

Quy mô ngân hàng

Logarit cơ số tự nhiên tổng tài sản

+

 

EFF

Aremu và cộng sự (2013), Shelagh Heffernan và Maggie Fu (2008)

Hiệu quả về chi phí hoạt động

Chi phí hoạt động/ Thu nhập hoạt động

-

 

NII

Alper và Anbar (2011)

Thu nhập ngoài lãi

Thu nhập ngoài lãi/Tổng thu nhập

+

Biến liên quan đến yếu tố vĩ mô

GDP

Alper và Anbar (2011), Zulaiha Chua (2013)

Tỷ lệ tăng trưởng GDP

Thu thập từ báo cáo của Tổng Cục Thống kê và ADB

+

 

INF

Alper và Anbar (2011), Zulaiha Chua (2013)

Lạm phát

 

-

 

RIR

Alper và Anbar (2011)

Lãi suất thực

 

+

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTMCP

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng được đo lường qua chỉ số tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE). Với 99 quan sát, ROA và ROE được thể hiện cụ thể qua Bảng 2.

Bảng 2: Thống kê mô tả tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2012 - 2022

Chỉ tiêu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

ROA

0,146

0,086

0,001

0,445

ROE

0,015

0,017

0,000

0,099

Nguồn: Số liệu tác giả thu thập

Với 09 NHTMCP, ROA có giá trị từ 0,1% đến 44,5% và độ lệch chuẩn là 8,6%. Điều này thể hiện có sự khác biệt tương đối cao về khả năng sinh lợi từ sử dụng tài sản giữa các ngân hàng trong nghiên cứu. ROE có giá trị từ 0% đến 9,9% và độ lệch chuẩn 1,7% thể hiện các ngân hàng trong nghiên cứu có khả năng sinh lợi từ vốn chủ sở hữu không có sự khác biệt lớn.

Thống kê mô tả các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTMCP

Các biến đo lường nợ xấu gồm tỷ lệ nợ xấu, hệ số RRTD, tỷ lệ phòng RRTD và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được thống kê mô tả cụ thể qua Bảng 3 như sau:

Bảng 3: Thống kê các biến đo lường nợ xấu giai đoạn 2012-2022

Chỉ tiêu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Tỷ lệ nợ xấu (NPL)

0,022

0,018

0,001

0,088

Hệ số RRTD (LTA)

0,548

0,115

0,314

0,838

Tỷ lệ dự phòng RRTD (LLR)

0,013

0,007

0,000

0,037

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR)

0,146

0,130

0,051

0,981

Nguồn: Số liệu tác giả thu thập

Bảng 3 cho thấy, các biến đo lường nợ xấu có độ lệch chuẩn tương đối nhỏ cho thấy độ phân tán giá trị các quan sát quanh giá trị trung bình là không lớn. Tại 09 NHTM thì các hệ số tỷ lệ nợ xấu, hệ số RRTD, tỷ lệ dự phòng RRTD và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không có chênh lệch quá lớn.

Các yếu tố liên quan đến đặc điểm nội tại của ngân hàng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NHTMCP được thể hiện qua các biến như quy mô ngân hàng, hiệu quả về chi phí hoạt động và thu nhập ngoài lãi được thống kê mô tả cụ thể qua Bảng 4.

Bảng 4: Thống kê các yếu tố kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012-2022

Chỉ tiêu

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Tỷ lệ tăng trưởng GDP

6,124

0,619

5,250

7,130

Lạm phát (INF)

8,772

6,350

0,630

23,120

Lãi suất thực (RIR)

2,132

3,667

-5,616

7,164

Nguồn: Số liệu tác giả thu thập

Về các yếu tố kinh tế vĩ mô, Bảng 4 cho thấy, tỷ lệ tăng GDP qua các năm khá ổn định với độ lệch chuẩn khá nhỏ 0,619. Còn về lạm phát và lãi suất thực thì độ lệch chuẩn khá lớn, cho thấy độ phân tán giá trị các quan sát quanh giá trị trung bình là lớn. Qua các năm từ 2012 đến 2022 thì lạm phát và lãi suất thực có thay đổi lớn và không đồng đều qua các năm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTMCP niêm yết tại Việt Nam

Sau khi thực hiện các kiểm định cần thiết, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTMCP niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022, tác giả dùng mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên (REM) để ước lượng. Với biến phụ thuộc là khả năng sinh lợi của NHTM (ROA, ROE), và các biến độc lập gồm: tỷ lệ nợ xấu (NPL), tỷ lệ dự phòng RRTD (LLR), hiệu quả về chi phí hoạt động (EFF), thu nhập ngoài lãi (NII), quy mô ngân hàng (SIZE), tỷ lệ tăng trưởng GDP (GDP), lạm phát (INF), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), hệ số RRTD (LTA).

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTMCP niêm yết tại Việt Nam được thể hiện cụ thể qua Bảng 5.

Bảng 5: Kết quả ước lượng mô hình REM về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTMCP được niêm yết tại Việt Nam

Tên biến

ROA

ROE

 

Hệ số β

P-value

Hệ số β

P-value

Hằng số

0,0007

(0,0276)

0,979

-0,0541

(0,1883)

0,774

Tỷ lệ nợ xấu (NPL)

-0,1987***

(0,0406)

0,000

-1,0002 ***

(0,3753)

0,008

Tỷ lệ dự phòng RRTD (LLR)

1,2782*

(0,7181)

0,075

1,7438

(1,1565)

0,132

Hiệu quả về chi phí hoạt động (EFF)

-0,0057

(0,0069)

0,406

-0,1449 ***

(0,0508)

0,004

Thu nhập ngoài lãi (NII)

0,0031

(0,0030)

0,304

0,1541***

(0,0431)

0,000

Quy mô ngân hàng (SIZE)

5,44e-07

(1,02e-06)

0,593

0,00001

(9,28e-06)

0,159

Tỷ lệ tăng trưởng GDP (GDP)

0,0004

(0,0014)

0,731

0,0126**

(0,0057)

0,028

Lạm phát (INF)

-0,0001

(0,0002)

0,486

0,0009

(0,0010)

0,347

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR)

0,0034

(0,0080)

0,672

-0,0243

(0,0432)

0,574

Hệ số RRTD (LTA)

-0,0161*

(0,0094)

0,088

-0,1807**

(0,0923)

0,050

Số quan sát

99

 

Số ngân hàng

9

 

Chú thích: *, **, *** tương ứng với mức ý nghĩa thống kê 10%, 5%, 1%

Số trong dấu ngoặc thể hiện sai số chuẩn của hệ số hồi quy

Nguồn: Số liệu từ kết quả ước lượng mô hình trên Stata

Bảng 5 cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTMCP Việt Nam gồm: Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng RRTD, hiệu quả về chi phí hoạt động, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tăng trưởng GDP. Kết quả ước lượng mô hình REM tại Bảng 5 cho thấy, 03 biến có ý nghĩa gồm: Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng RRTD và hệ số RRTD. Dấu của 03 này biến phù hợp với kỳ vọng ban đầu của nhóm tác giả. Kết quả mô hình cho thấy, tỷ lệ nợ xấu có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với ROA. Nợ xấu gia tăng làm giảm ROA. Với các điều kiện khác không đổi, tỷ lệ nợ xấu tăng 1 đơn vị sẽ làm cho ROA giảm 0,1987 đơn vị với mức ý nghĩa thống kê 1%. Điều này được giải thích là do chất lượng tín dụng nghèo nàn làm giảm thu nhập lãi và làm tăng chi phí dự phòng. Kết quả ước lượng này phù hợp với nghiên cứu của Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013) và Kargi (2011).

Tỷ lệ dự phòng RRTD tương quan thuận với ROA. Với các yếu tố khác không đổi, tỷ lệ dự phòng RRTD tăng 1 đơn vị sẽ làm cho ROA tăng 1,2782 với mức ý nghĩa thống kê 10%. Dự phòng rủi ro đánh giá khả năng chi trả của ngân hàng khi rủi ro xảy ra, nhằm bù đắp tổn thất đối với những khoản nợ của ngân hàng xảy ra trong trường hợp khách hàng không có khả năng chi trả. Kết quả ước lượng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Gizaw và các cộng sự (2015), Oke và các cộng sự (2012).

Hệ số RRTD có tương quan nghịch với ROA, với mức ý nghĩa 10%. Khi hệ số RRTD tăng thêm 1 đơn vị thì ROA giảm 0,0161 đơn vị. Và điều này cũng phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay. Do đó, với hệ số RRTD càng cao thì ROA càng thấp. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Alper và Anbar (2011).

Về các yếu tố ảnh hưởng đến ROE thì kết quả Bảng 5 cho thấy có 05 biến có ý nghĩa thống kê gồm: tỷ lệ nợ xấu, hiệu quả về chi phí hoạt động, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ tăng trưởng GDP và hệ số RRTD. Điều này nói lên rằng, nếu các yếu tố khác không thay đổi, tỷ lệ nợ xấu tăng lên một đơn vị làm cho chỉ số ROE giảm xuống 1,0002 đơn vị. Cụ thể hơn, tỷ lệ nợ xấu tăng lên thì ROE của các ngân hàng giảm xuống 1,0002 đơn vị, nói lên rằng việc quản lý nợ không tốt sẽ ảnh hưởng lên lợi khả năng sử dụng vốn để tạo ra lợi nhuận cho các ngân hàng.

Hơn nữa, hiệu quả quản lý chi phí hoạt động cũng tác động ngược chiều lên chỉ tiêu ROE, nói lên rằng, khi các yếu tố khác không đổi, khả năng quản lý chi phí hoạt động tăng lên một đơn vị sẽ làm cho ROE giảm xuống 0,1449 đơn vị. Ngoài ra, biến số thu nhập ngoài lãi và tỷ lệ tăng trưởng GDP có tác động thuận chiều lên ROE của các ngân hàng tương ứng là 0,1541 và 0,0126. Điều này cho thấy, khi cố định các yếu tố khác, tăng thu nhập ngoài lãi hoặc tỷ lệ tăng trưởng GDP lên 1 đơn vị dẫn đến ROE tăng tương ứng 0,1541 đơn vị hoặc 0,0126 đơn vị. Cuối cùng, hệ số RRTD có ảnh hưởng ngược chiều với ROE của các ngân hàng.

Hàm ý về quản trị

Đối với các NHTMCP Việt Nam

- Tiếp tục nâng vốn chủ sở hữu: Nguồn vốn chủ sở hữu thể hiện năng lực tài chính của ngân hàng, đảm bảo cho ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư, kịp thời đối phó với những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của NHTMCP, giúp ngân hàng không rơi vào tình trạng phá sản, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc nâng vốn sở hữu là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của NHTMCP.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy: Cần cải cách bộ máy quản lý điều hành theo tư duy kinh doanh mới nhằm mục tiêu giảm thiểu chi phí hoạt động. Đổi mới cơ cấu hoạt động của các NHTMCP theo hướng NHTM hiện đại.

- Tăng nguồn thu nhập bằng việc áp dụng phân cấp quản lý theo mô hình khối có thể nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đồng thời có thể đáp ứng được các yêu cầu phát triển ngân hàng trong tương lai.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

- Cần có các biện pháp kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn. Điều này sẽ giúp tăng khả năng trả nợ của các doanh nghiệp và làm cho nợ xấu giảm xuống.

- Cải cách hệ thống giám sát tài chính: Kết quả nghiên cứu cho thấy nợ xấu bị ảnh hưởng bởi mức độ cạnh tranh trong ngành Ngân hàng cao, hay theo quan điểm cạnh tranh dễ gây đổ vỡ. Điều này cho thấy hệ thống NHTM Việt Nam vẫn cần đến sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước.

- Cải cách khuôn khổ pháp lý giám sát hoạt động ngân hàng: Để khắc phục những hạn chế của khuôn khổ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát thích hợp đối với quyền sở hữu/thụ hưởng thật sự, cũng như các tập đoàn kinh tế và ngân hàng bằng cách mở rộng khái niệm về các bên liên quan và liên kết.

- Tăng cường kiểm soát, xử lý nợ xấu tại các NHTMCP: Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các NHTMCP minh bạch trong việc công bố số liệu, tăng cường thanh tra việc phân loại nợ, trích và sử dụng quỹ dự phòng RRTD. Xử lý nghiêm đối với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng không tích cực và chủ động trong việc xử lý nợ xấu.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước (2013), Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  2. Nguyễn Công Tâm và Nguyễn Minh Hà (2012), Hiệu quả hoạt động của ngân hàng tại các nước Đông Nam Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Những vấn đề về Kinh tế và Chính trị thế giới, số 11, năm 2012;
  3. Trần Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Huân (2016), Phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam trong thời kỳ hội nhập tài chính quốc tế. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Vol 19, No Q1 – 2016;
  4. Trần Huy Hoàng (2011), Quản trị NHTM. Nhà xuất bản Lao động Xã hội;
  5. Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam. Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 85, tháng 4/2013;
  6. Alper, D. and Anbar, A. (2011), Bank specific and macroeconomic determinants of commercial bank profitability: Empirical evidence from Turkey, Business and Economics Research Journal, Vol. 2, No. 2, pp. 139-152, 2011;
  7. Aremu, M. A., Ekpo, I. C., Mustapha, A. M., & Adedoyin, S. I. (2013), Determinants of capital structure in Nigerian banking sector. International Journal of Academic Research in Economics and Management Sciences, 2(4), 27;
  8. Chua, Zulaiha (2013), Determinants of Islamic Banks Profitability in Malaysia, available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2276277 accessed on 25/10/2017;
  9. Gizaw, M., Kebede, M. and Selvaraj, S., (2015), The impact of credit risk on profitability performance of commercial banks in Ethiopia. African Journal of Business Management, Vol. 9, No. 2, 59-66;
  10. Kaaya, I. and Pastory, D., (2013). Credit risk and commercial banks performance in Tanzania: A panel data analysis. Research journal of Finance and Accounting, Vol. 4, No. 16, 55-62;
  11. Oke, M.O., Ayeni, R.K. and Kolapo, T.F., (2012), Credit risk and commercial Bank’s performance in Nigeria: A panel model approach. Australian journal of Business and Manage research, Vol.2, No.2, 31-38.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023