Nợ xấu đè nặng ngân hàng


Nợ xấu của hầu hết các ngân hàng vẫn đang ở vùng an toàn nhưng tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang khiến cho nỗi lo nợ xấu ngành Ngân hàng có dấu hiệu gia tăng.

Đến cuối tháng 2/2023, ước tính tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng lên tới 5% so với tổng dư nợ.
Đến cuối tháng 2/2023, ước tính tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng lên tới 5% so với tổng dư nợ.

Về công tác kiểm soát, xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Nợ xấu ngành Ngân hàng dần 'chuyển màu'

Cụ thể, trong tháng 2/2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 1/2023, các TCTD đã sử dụng khoảng 223,5 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 40,5 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2023 là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù vậy, NHNN cho biết, theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Vì thế, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.

Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

"Cửa sáng" để xử lý nợ xấu

Còn theo báo cáo tài chính quý I/2023 tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tăng mạnh. Điển hình là tại BIDV, trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng hơn 40% lên 24.730 tỷ đồng.

Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%.Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Trong khi đó, nợ xấu Vietcombank tính đến thời điểm ngày 31/3/2023 cũng tăng mạnh hơn 27% so với hồi cối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết tuy diễn biến chất lượng tín dụng trong quý I có suy giảm, nợ xấu tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng đều nằm trong dự báo của hệ thống ngân hàng và đã được nhận diện từ trước.

Tại TPBank, theo báo cáo tài chính quý I, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng mạnh đến 84% chỉ trong 3 tháng đầu năm lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác, nợ xấu cũng tăng mạnh như: MB số dư nợ xấu tăng 68% so với năm 2022 lên tới 8.452 tỷ đồng, theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm trước. Trong quý I/2023, nợ xấu tại TPBank tăng mạnh tới 84% so với cuối năm 2022 lên 2.497 tỷ đồng…

Trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, NHNN đã ban hành Thông tư 02 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ TCTD.

Đánh giá tác động của quy định mới, Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó Thông tư cũng tác động tích cực lên một số ngân hàng.

Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành Ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như Techcombank, MB, VPBank, HDBank”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tíchVNDirect nhận định.

Nguyên nhân là bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn