Áp dụng Six Sigma trong hoạt động quản lý tài chính, tiếp thị của, logistics doanh nghiệp

Nga Phạm

Six Sigma có thể áp dụng trong các hoạt động quản lý, tài chính, dịch vụ khách hàng, tiếp thị, hậu cần, công nghệ thông tin. Các hoạt động này ngày càng trở nên quan trọng trong cạnh tranh hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những lợi ích thiết thực

Theo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất, Six Sigma không phải là một hệ thống quản lý chất lượng, như ISO 9001, hay là một hệ thống chứng nhận chất lượng mà thay vào đó, đây là một hệ phương pháp giúp giảm thiểu khuyết tật dựa trên việc cải tiến quy trình.

Đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, điều này có nghĩa là thay vì tập trung vào các đề xướng chất lượng vốn ưu tiên vào việc kiểm tra lỗi trên sản phẩm, hướng tập trung được chuyển sang cải thiện quy trình sản xuất để các khuyết tật không xảy ra. Nhờ đó, giảm thiểu tiến tới loại bỏ các khuyết tật trong sản xuất, từ đó giảm chi phí không cần thiết, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong việc định nghĩa khuyết tật, Six Sigma tập trung vào việc thiết lập sự thông hiểu tường tận các yêu cầu của khách hàng và vì thế có tính định hướng khách hàng rất cao. Hệ phương pháp Six Sigma dựa trên tiến trình mang tên DMAIC: Define (Xác Định), Measure (Đo Lường), Analyze (Phân Tích), Improve (Cải Tiến) và Control (Kiểm Soát).  

Six Sigma bao gồm các phương pháp thực hành kinh doanh tốt nhất và các kỹ năng giúp doanh nghiệp thành công và phát triển, đem lại các lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp. Tiềm năng thu được từ Six Sigma có ý nghĩa quan trọng trong các doanh nghiệp dịch vụ và các hoạt động phi sản xuất như trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Six Sigma có thể áp dụng trong các hoạt động quản lý, tài chính, dịch vụ khách hàng, tiếp thị, hậu cần, công nghệ thông tin. Các hoạt động này ngày càng trở nên quan trọng trong cạnh tranh hiện nay. Tỷ trọng công nghiệp dịch vụ ngày càng tăng trong khi các nhà cung cấp dịch vụ thường mới chỉ đạt hiệu suất hoạt động là 70%.

Các chuyên gia khẳng định, Six Sigma không chỉ là các phương pháp phân tích thống kê cơ bản và chi tiết. Có nhiều cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu 6 Sigma. Thực tế cho thấy các công ty đã áp dụng 6 Sigma thành công đều có mô hình cải tiến rất linh hoạt, định hướng vào mục tiêu hoạt động của tổ chức mình và tổ chức dự án xây dựng trên hoàn cảnh cụ thể của đơn vị mình.

Phương pháp 6 Sigma cũng hướng vào 4 nội dung cơ bản đó là thật sự tập trung vào khách hàng; dữ liệu và quản lý dữ liệu thực tế; tập trung vào quản lý và cải tiến quá trình; nhà quản lý cần tập trung vào những nội dung ưu tiên. Six Sigma giúp giảm chi phí sản xuất. Với tỷ lệ khuyết tật giảm đáng kể, doanh nghiệp có thể loại bỏ những lãng phí về nguyên vật liệu và việc sử dụng nhân công kém hiệu quả liên quan đến khuyết tật. Điều này sẽ giảm bớt chi phí hàng bán trên từng đơn vị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Tiết kiệm không gian chính là tiền

Ở Việt Nam, Six Sigma không còn xa lạ. Phương pháp này một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, cơ khí chế tạo áp dụng như American Standard, Ford, LG, Samsung, V-Tract... áp dụng.

Nhắc tới Six Sigma không thể không nhắc tới Hãng sản xuất ô tô Ford. Ford Vietnam đã bắt đầu áp dụng Six Sigma từ năm 2000 và đến nay đã thực hiện hàng trăm dự án này để cải tiến các quy trình trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Lãnh đạo Công ty này từng chia sẻ, Six Sigma hướng tới khách hàng của Công ty Ford là một triết lý quản trị hiệu quả để giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Kể từ khi Ford áp dụng phương pháp giảm thiểu lỗi đến mức tỷ lệ tối thiểu sai hỏng, Công ty đã có những kết quả đáng kể đó là đã giảm được 1,2 triệu USD và đạt chỉ số hài lòng của khách hàng ở mức trên 90% qua mỗi năm. Một trong những dự án mà Ford đã thực hiện vào năm 2005 trong việc áp dụng Six Sigma để giảm lượng container chở linh kiện nhập khẩu.

Ford nhận thấy rằng các thùng chứa linh kiện hai loại xe này trong những container nhập khẩu vào Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống, do vậy Ford đã sắp xếp lại không gian cho chúng. Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc tiết kiệm không gian cũng chính là một hình thức tiết kiệm chi phí liên quan đến tiền, qua đó làm gia tăng lợi nhuận. Từ việc tiết kiệm không gian này giúp Ford tiết kiệm được 150.000 USD ngay trong năm thực hiện.

Cũng theo Ford, Six Sigma là công cụ cải tiến quy trình hiệu quả cao gấp 2,5 lần so với ISO 9000 và gấp năm lần hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM).  Trước đây, Six Sigma thường được áp dụng để giảm khuyết tật, tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất, nhưng giờ đây nó cũng được các doanh nghiệp ứng dụng vào khâu dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí và tăng chất lượng phục vụ khách hàng.