Áp lực chốt lời của khối nội "ngắt mạch" tăng VN-Index
Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng nhưng áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư cá nhân trong nước gia tăng mạnh khiến cho VN-Index chấm dứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp.
VN-Index mở cửa phiên sáng 27/12 với sắc xanh nối tiếp diễn biến tăng điểm từ phiên hôm qua. Chỉ số VN-Index có lúc vượt mốc 1.125 điểm khá dễ dàng khi nhận được sự đồng thuận của nhiều nhóm cổ phiếu. Rổ VN30 có 24 mã tăng giá ngoại trừ bộ 3 mã ngân hàng (BID, STB, MBB) "nhấp nháy" giá đỏ. Dù vậy, biên độ tăng điểm chủ yếu duy trì dưới 1%.
Tuy nhiên, từ cuối phiên sáng, hành động chốt lời ngắn hạn diễn ra cùng sự dịch chuyển dòng vốn giữa các nhóm ngành đã khiến chỉ số chung có những nhịp rung lắc. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện rõ ràng sau chuỗi phiên phục hồi của thị trường cũng như trong bối cảnh VN-Index tiếp cận lại khu vực đỉnh cũ.
Trong phiên chiều, thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh hơn và lấn át lực mua khiến cho VN-Index không còn giữ được sắc xanh, đảo chiều về dưới sát mốc tham chiếu.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.121,99 điểm, giảm 0,21 điểm, tương đương 0,02%. Sàn HOSE giao dịch thận trọng hơn với 250 mã giảm. Riêng VN30 +0,04% tăng nhẹ và phân hóa cân bằng với cùng 13 mã tăng và giảm giá. Mức giảm không đáng kể nhưng cũng đủ "ngắt mạch" tăng của thị trường suốt 6 phiên qua.
Bên mua và bên bán giằng co nên dòng tiền không ưu ái hẳn nhóm ngành hay cổ phiếu nào mà đa phần đều biến động trong biên độ hẹp. Biến động lớn tập trung tại các mã riêng lẻ hút tiền như: HNG tăng trần, VTP (+3,1%), PET (+2,4%), HCM (+2%), TPB (+2%), HSG (+1,6%), MSN (+1,2%)…
Xét về nhóm ngành, điểm số của hầu hết ngành gần như không thay đổi đáng kể so với phiên trước. Một số ngành giữ được sắc xanh tốt từ sáng có Chứng khoán (+0,46%), Nông lâm ngư (+1,36%), Thép (+0,26%)…
Nhóm ngành Chứng khoán, đứng đầu vẫn là 2 mã chứng khoán VND với 21,42 triệu đơn vị cổ phiếu được "sang tay", tăng 0,69% lên 22.000 đồng/CP; còn VIX, dù thanh khoản cao với khối lượng giao dịch khớp lệnh là 19,91 triệu đơn vị cổ phiếu nhưng lại ở giá thấp nên đã lùi về tham chiếu. Ngoài ra, có một số mã duy trì được mức tăng như: SSI (+0,15%), HCM (+1,98%), PSI (+1,14$)…
Trong nhóm thép, trong khi HSG duy trì đà tăng 1,58% lên 22.450 đồng, khớp 15,15 triệu đơn vị, thì HPG quay đầu giảm 0,18% xuống 27.750 đồng, khớp 19,85 triệu đơn vị.
Nhóm nông nghiệp tích cực nhất với HNG tăng trần, HAG tăng 1,5%. Cả hai mã nông nghiệp này đều được hỗ trợ bởi thông tin tích cực của doanh nghiệp. Với HNG, HAGL Agrico vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc thành lập công ty con tại Lào - Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào (Southern Laos Agri). Công ty có vốn điều lệ là 8.300 tỷ kíp, tương ứng 400 triệu USD (khoảng 9.600 tỷ đồng) do HAGL Agrico sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong nhóm dẫn dắt khác là ngân hàng (+0,05%), dù sắc xanh nhiều hơn sắc đỏ, nhưng mức tăng giảm chỉ trong biên độ hẹp, ngoại trừ TPB có mức tăng 2,06%, còn lại chủ yếu chỉ tăng, giảm trên dưới 0,5%.
Lực bán mạnh cuối phiên cũng khiến nhiều mã có liên quan tới bất động sản quay đầu giảm. Đáng chú ý, chiều giảm điểm ghi nhận áp lực bán tăng lên ở nhiều mã Bất động sản tầm trung như: HDG (-3,8%), VGC (-1,8%), NLG (-1,3%), DXG (-1%).
Điểm tích cực là thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với hơn 21.100 tỷ đồng. Cùng với đó, khối ngoại cũng trở lại mua ròng lần đầu tiên sau 20 phiên bán liên tiếp. Giá trị mua ròng trên HOSE ở mức 128 tỷ đồng.
Các mã đại diện cho chiều mua ròng của khối ngoại bao gồm HCM (+56 tỷ đồng), TPB (+42 tỷ đồng), còn MSN (+30 tỷ đồng) so với VNM (-35 tỷ đồng), HDG (-22 tỷ đồng), GMD (-21 tỷ đồng) ở phía ngược lại.