Áp lực của nghề kiểm toán trong công ty kiểm toán độc lập
Kiểm toán là một ngành tương đối mới tại Việt Nam, có vai trò to lớn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vai trò quan trọng này đã tạo ra những áp lực đối với ngành kiểm toán, nhất là đối với hoạt động kiểm toán trong các công ty độc lập.
Kiểm toán viên luôn phải đối diện với nhiều áp lực như: Sự đào thải khắc nghiệt của nghề; áp lực về thời gian, kiến thức, trình độ công nghệ và đặc biệt là áp lực giữ chân khách hàng. Làm rõ những áp lực của kiểm toán viên trong các công ty kiểm toán độc lập, bài viết gợi mở những vấn đề nhằm hạn chế áp lực đối với kiểm toán viên và các công ty kiểm toán độc lập hiện nay.
Kiểm toán độc lập và cơ hội của các kiểm toán viên
Kiểm toán độc lập được hiểu là tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm toán và tư vấn theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ, Công ty A hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế cần có báo cáo kiểm toán để tham gia đấu thầu các dự án, Công ty A sẽ thuê một công ty kiểm toán độc lập về kiểm toán báo cáo tài chính của mình. Nếu kiểm toán độc lập là hoạt động thu phí thì kiểm toán nhà nước là công việc do cơ quan kiểm toán nhà nước tiến hành theo luật định và không thu phí, nhằm thực hiện chức năng kiểm soát tài sản công.
Ra đời từ năm 1991 theo yêu cầu và tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường, đến nay ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh.
Hiện có gần 160 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và có gần 11.000 người lao động đang làm việc tại các DN kiểm toán trên cả nước. Doanh thu hàng năm của toàn ngành Kiểm toán độc lập đạt hàng nghìn tỷ đồng. Việc nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do cũng đã đặt ra cho Ngành này khá nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Theo thống kê của Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam (VACPA), trong hơn 160 công ty kiểm toán độc lập đang hoạt động trên cả nước, có 4 công ty thuộc Big Four là KPMG, PricewaterhouseCoopers, Ernst&Young, Deloitte Touche Tohmatsu. Với việc, mỗi DN cần đến kiểm toán viên nội bộ và với hơn 600.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, lượng khách hàng cho các công ty kiểm toán là rất dồi dào. Thu nhập trung bình của một kiểm toán viên tại Việt Nam hiện nay khoảng 400USD/tháng, nếu kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán quốc tế như ACCA, CPA Úc, CPA Hoa Kỳ… thì thu nhập trong khoảng 1.000-2.000 USD. Thậm chí, Ngành này được đưa và danh sách các ngành nghề ưu tiên khi xin định cư ở nước ngoài, vì vậy cơ hội cho các kiếm toán viên có chứng chỉ kiểm toán quốc tế là rất rộng mở.
Áp lực đặt ra đối với các kiểm toán viên tại các công ty kiểm toán độc lập
Theo quy định tại Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 và Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, thì hầu hết các đối tượng là DN hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng – 50.000.000 đồng. Quy định cho thấy, sự cần thiết của kiểm toán độc lập trong sự phát triển của xã hội, vì vậy, áp lực đối với kiểm toán viên tại các công ty kiểm toán độc lập theo đó cũng tăng lên, các áp lực này chủ yếu xuất phát từ nội tại của nghề kiểm toán, từ xã hội và của những đối tượng quan tâm, cụ thể như:
- Áp lực về thời gian: Kiểm toán viên luôn bị áp lực về thời gian hoàn thành tiến độ công việc khi thực hiện kiểm toán, khối lượng công việc kiểm toán nhiều dễ gây stress cho kiểm toán viên.
- Áp lực về kiến thức: Kiểm toán viên phải thực hiện cho nhiều công ty với nhiều lĩnh vực khác nhau, nên kiểm toán viên luôn phải trau dồi kiến thức đối với lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của DN. Bên cạnh đó, sự thay đổi của chế độ, luật… cũng đòi hỏi kiểm toán viên cần tiếp thu cập nhật để thực hiện kiểm toán.
- Áp lực về áp dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp: Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, công ty khách hàng áp dụng nhiều phần mềm trong thực hiện kế toán, quản lý đòi hỏi kiểm toán viên phải có hiểu biết nhất định về lĩnh vực hoạt động của hệ thống thông tin trong DN khi tiến hành kiểm toán để có thể thu thập bằng chứng kiểm toán chính xác phục vụ cho việc ra quyết định của kiểm toán viên về báo cáo tài chính được kiểm toán.
- Sự đào thải khắc nghiệt của nghề kiểm toán: Kiểm toán là một trong những nghề có thu nhập cao trong xã hội, tuy nhiên đòi hỏi của nghề Kiểm toán cũng rất cao như: Kiến thức, thời gian, sự nhanh nhạy, nếu mắc sai phạm trong nghề nghiệp có thể bị xử phạt rất nặng như: Xử phạt hành chính, bị tước chứng chỉ hành nghề kiểm toán.
- Kiểm toán viên còn có một áp lực vô hình trong các công ty kiểm toán tư nhân là áp lực giữ khách hàng nên có thể khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên có phần nhân nhượng trước những sai phạm của đơn vị được kiểm toán dễ dẫn đến kết luận kiểm toán không chính xác, ảnh hưởng đến kết luận của nhà đầu tư, mất uy tín của về nghề kiểm toán của Kiểm toán viên. Điển hình như vụ kiểm toán Bông Bạch Tuyết, kiểm toán viên đã không đưa khoản loại trừ chi phí báo cáo tài chính kiểm toán năm 2005, ngoài ra, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư Vấn A&C cũng không có thư quản lý sau kiểm toán (Theo kết luận của Đoàn thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Vụ việc về Bông Bạch Tuyết đã làm cơ quan liên quan tới quy định về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên có cái nhìn khác về nghề kiểm toán).
Nhìn chung, kiểm toán là một Ngành đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đòi hỏi nguồn nhân lực kiểm toán viên chất lượng cao, có trách nhiệm với nghề… Nếu như đối với một kế toán viên các đức tính cần có là chăm chỉ, thật thà, thì các kiểm toán viên cần phải trang bị cho mình những đức tính sau:
i) Vững vàng kiến thức về tài chính kế toán: Công việc của kiểm toán viên không chỉ đơn thuần là kiểm tra kế toán mà còn tư vấn cho khách hàng, đưa ra các giải pháp tối ưu về tài chính, kế toán cho khách hàng. Kiểm toán viên còn phải nắm vững ngành nghề kinh doanh mà khách hàng đang theo đuổi.
ii) Chịu áp lực cao: Nghề kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên phải hết mình vì công việc, sẵn sàng đi công tác xa nhà.
iii) Trung thực: Nghề kiểm toán rất cần đức tính trung thực, bởi vì môi trường làm việc có rất nhiều cám dỗ; DN muốn che giấu sai phạm, muốn số liệu kế toán đẹp, dẫn đến việc đưa ra những đề nghị tế nhị. Trong những hoàn cảnh như thế, nếu kiểm toán viên không vững vàng sẽ dễ dàng bị lôi kéo.
iv) Chăm chỉ: Những tác nhân có khả năng ảnh hưởng đến công việc kiểm toán tại các công ty như con mọn, nhiều báo cáo tài chính, cần hoàn thành thủ tục kiểm toán trong một thời gian nhất định… Vì vậy, kiểm toán viên cần chuyên tâm vào hoàn thành hết khối lượng công việc trong một thời gian ngắn.
v) Giỏi ngoại ngữ: Giỏi ngoại ngữ là một lợi thế rất lớn của một kiểm toán viên, hầu hết các công ty kiểm toán nước ngoài khi tuyển nhân viên đều đánh giá cao tiêu chí này.
Việt Nam với hơn 90 triệu dân, chiếm 1/6 dân số của các nước ASEAN nhưng số kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên hiện có của các nước ASEAN (4.000/196.000). Rõ ràng đây là điểm yếu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam
Ngoài những vấn đề trên, áp lực với nghề Kiểm toán ở nước ta hiện nay là thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán. Trong khi, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán nước ta mới được hình thành và thừa nhận, còn rất non trẻ, các quy định luật pháp chưa đồng bộ, các yếu tố của thị trường chưa đầy đủ. Phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức. Đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Việt Nam với hơn 90 triệu dân, chiếm 1/6 dân số của các nước ASEAN nhưng số kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên hiện có của các nước ASEAN (4.000/196.000). Rõ ràng đây là điểm yếu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam hiện nay.
Các chương trình đào tạo kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ chưa được xây dựng và chuẩn hóa, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ diễn ra mỗi năm 1 lần. Chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghề nghiệp cũng chưa được xác lập và thừa nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam có đủ năng lực và được thừa nhận để hành nghề ở nước ngoài hay không đang còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Trong khi đó, với nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế, mở cửa nền kinh tế, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, một bộ phận kiểm toán viên nước ngoài có trình độ sẽ tham gia vào hoạt động kiểm toán tại nước ta, từ đó sẽ tạo nên những áp lực cạnh tranh rất lớn đối với đội ngũ kiểm toán trong nước, thậm chí còn dẫn đến tình trạng thất nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên Việt Nam. Ngược lại, đội ngũ kiểm toán viên có trình độ cao của nước ta lại có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường có sức thu hút hơn và dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong nước.
Quy mô của các DN kiểm toán Việt Nam lại nhỏ, kinh nghiệm kiểm toán chưa được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, chưa tổ chức nhiều hoạt động đào tạo theo hướng hội nhập, do đó việc thích nghi với môi trường kiểm toán quốc tế còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, sức ép cạnh tranh về thị trường kiểm toán sẽ khốc liệt hơn cho các DN kiểm toán Việt Nam, nghĩa là nếu không tự hoàn thiện các DN trong nước sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể, tự thu hẹp mình…
Như vậy có thể thấy, lĩnh vực kiểm toán độc lập vẫn còn nhiều việc phải làm để thay đổi và hoàn thiện. Việt Nam đang là nền kinh tế thị trường chuyển đổi, môi trường kinh doanh còn có hạn chế nhất định nên dịch vụ kiểm toán sẽ có hạn chế hơn so với các nước trong khu vực.
Vì vậy, việc tạo dựng hệ thống kiểm toán viên Việt Nam chuyên nghiệp phải được nâng cao ngang tầm quốc tế. Theo đó, cần xây dựng những quy định của nghề kiểm toán giống như chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch, dịch thuật, bảo hộ trí tuệ… Quá trình đào tạo này, không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề. Đồng thời, cần thay đổi toàn bộ quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các quy định liên quan tới thể chế hoạt động dịch vụ kiểm toán cũng cần được nghiên cứu và thoàn thiện hơn, đảm bảo mục tiêu chung cho phát triển kiểm toán, trong chiến lược lâu dài và trước mắt đến năm 2020.
Các công ty kiểm toán cũng cần chú trọng và hướng đến việc đầu tư chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, tin học hóa dịch vụ cung cấp, trở thành những đối tác tin cậy. Bên cạnh đó, có thể liên doanh, liên kết, sáp nhập với các ty kiểm toán lớn, hoặc gia nhập các mạng lưới kiểm toán quốc tế, để kết hợp và chia sẻ lợi thế của mỗi thành viên, hình thành khối liên kết mạnh mẽ.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Kiểm toán độc lập năm 2011;
- Nghị định số Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập;
- Giáo trình Lý thuyết kiểm toán, Nguyễn Quang Quynh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội;
- Kiểm toán: Lý thuyết và thực hành (Bản dịch), John Dunn, NXB Thống kê (2003).
- Nguyễn Thị Hương Liên (2015), Các nhân tố ảnh hưởng chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập tại Việt Nam, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.