Áp lực lãi suất sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm
Mặc dù vẫn được kiểm soát ở mức thấp, song lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Cùng với đó, việc chuẩn bị nguồn cung vốn đáp ứng cầu dịp cuối năm khiến lãi suất VND sẽ tăng lên. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, sẽ khó tránh lãi suất tăng trong những tháng cuối năm, song chỉ tăng ở mức 0,5-1%.
Giám đốc khối thị trường mới nổi Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin cho rằng, với diễn biến của thị trường Việt Nam hiện nay, áp lực lãi suất sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách nới lỏng nhằm giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng khiến lãi suất duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhưng khó có thể duy trì lãi suất ổn định trong thời gian tới. Sự biến động của các nhân tố chủ chốt có thể kéo lãi suất tăng trở lại chính là giá dầu tăng, kế hoạch tăng học phí và bảo hiểm y tế khiến áp lực lạm phát đang lớn dần.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng các khoản phát hành trái phiếu ngắn hạn, nhằm điều tiết thanh khoản thị trường. Vì thế, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ không thắt chặt trở lại do phải hỗ trợ tăng trưởng, khả năng lãi suất chỉ tăng nhẹ.
Một chuyên gia kinh tế cấp cao Tập đoàn VinaCapital cũng nhận định, lãi suất tiết kiệm từ nay đến cuối năm nếu có tăng thì chỉ nhích lên một chút, khoảng 0,5-1%/năm.
Diễn biến trên sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn, từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo bà Hồng, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như Ngân hàng Nhà nước đã dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại, vì vậy việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức.
Vào đầu năm, một số ngân hàng rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất huy động.
Cụ thể, với vai trò điều tiết, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra, hút tiền về đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý. Đồng thời, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất được giữ ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng không quay ra huy động thị trường 1 (dân cư) để đẩy lãi suất tăng lên.
Bà Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để tiếp tục ổn định lãi suất thị trường.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tư vấn của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh khó khăn, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ rất nhất quán. 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã giữ ổn định đồng tiền, cố gắng không để lãi suất cho vay tăng lên.
Nguồn vốn tín dụng được ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất như cho vay để phát triển ngành thủy sản, cho vay thu mua lúa gạo… hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp.
TS. Lịch cho rằng, tuy lãi suất cho vay trung hạn còn cao, nhưng trong 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt đã vay được lãi suất thấp, thậm chí có nơi ngân hàng chào mời mức lãi suất cho vay 6%/năm. Tức là những doanh nghiệp làm ăn tốt đều có cơ hội để vay lãi suất thấp, thuận lợi để đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Vì thế, các doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng lãi suất xuống mức thấp hơn nữa.
Song với ngân hàng, nợ xấu vẫn là rào cản cần được nỗ lực gỡ bỏ, nhất là về tài sản thế chấp ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ngành Ngân hàng nên có lộ trình từng bước xử lý tài sản thế chấp nợ phải thoát ly giá thực tế trên sổ sách. Có như vậy, lộ trình xử lý nợ xấu mới từng bước được đẩy nhanh hơn, khơi thông dòng chảy tín dụng và lãi suất cho vay cũng sẽ giảm dần.