TP. Hồ Chí Minh:

Dư nợ tín dụng sản xuất, kinh doanh chiếm gần 80% tổng dư nợ tín dụng

Theo nhandan.com.vn

Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt gần 9% so với đầu năm 2016. Trong đó, dư nợ tín dụng ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm gần 80% tổng dư nợ tín dụng. Dự báo, trong những tháng cuối năm nay, thị trường tín dụng sẽ sôi động hơn nhờ các yếu tố tích cực…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo đảm nguồn cung vốn giá rẻ

Trong những tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cả về lãi suất lẫn các điều kiện vay khác dành cho các doanh nghiệp (DN).

Ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu, các DN có thể vay được vốn với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm; ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, DN có thể vay vốn với lãi suất từ 6,2%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi về lệ phí, thủ tục, thời gian vay…

Theo các NHTM, sự cạnh tranh trong thị trường tín dụng hiện nay rất gay gắt, nên các NHTM phải giảm lãi suất cho vay cùng tăng cường các ưu đãi khác để thu hút khách hàng và bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh yếu tố lãi suất hấp dẫn, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tín dụng tăng trưởng khá trong hơn nửa năm 2016 còn nhờ nền kinh tế khả quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và các hộ gia đình; đồng thời, thành phố cũng có nhiều chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế với những ưu tiên về tín dụng…

Do vậy, dù lãi suất huy động vốn ở một số NHTM có tăng nhẹ trong thời gian gần đây nhưng khả năng lãi suất cho vay tăng vẫn ở mức rất thấp, khó xảy ra.

Thứ nhất, yếu tố khách quan là do sự cạnh tranh giữa các NHTM để bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, các NHTM sẽ chấp nhận giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm lợi nhuận…

Thứ hai, lạm phát được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái nhưng dao động quanh ngưỡng 5%, nên lãi suất cho vay cũng khó mà tăng cao.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, việc giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Thanh khoản hệ thống NHTM đang khá dồi dào, có thể bảo đảm được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng), sẽ giảm áp lực tăng lãi suất. Ngoài ra, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm đến nay vẫn khá ổn định. Dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%).

Hơn nữa, lợi nhuận sáu tháng đầu năm của các NHTM tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của NHTM, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay.

Tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên

Cuối tháng 7/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Theo đó, đối tượng được gia hạn là khách hàng cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Thời gian giải ngân của các NHTM từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng đối với các khoản vay mà NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31/3/2016…

Đây sẽ là "cú huých" tích cực đối với việc tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố trong những tháng còn lại của năm 2016.

Theo thống kê của NHNN - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm nay, dòng vốn đổ vào các lĩnh vực khuyến khích, ưu tiên tăng khá cao. Ở 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, dư nợ tín dụng đạt 154.246 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cuối năm ngoái.

Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 23.127 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 30.953 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 93.417 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 6.491 tỷ đồng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 55/2015 của Chính phủ về việc đầu tư vốn cho các dự án dài hạn đến cuối quý II/2016 cũng lên đến 53.757 tỷ đồng…

Cùng với đó, chương trình kết nối ngân hàng - DN từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ cho hơn 4.000 DN và hộ sản xuất, kinh doanh gần 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2016-2017 cũng có mười tổ chức tín dụng tham gia với mức cam kết cho vay 14.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với chương trình này năm trước đó.

Bên cạnh đó, chương trình tín dụng đối với các DN trong khu chế xuất - khu công nghiệp cũng có dư nợ cho vay đạt khoảng 104.412 tỷ đồng với 2.800 khách hàng…

Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp Sở Công thương thành phố và các đầu mối liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện gói tín dụng hỗ trợ do các NHTM trên địa bàn đã đưa ra và cam kết hỗ trợ DN trên địa bàn trong năm 2016 (16 NHTM đăng ký với NHNN và cam kết cho vay với lãi suất ưu đãi VNĐ không quá 7%/năm ngắn hạn, 9%/năm vay trung và dài hạn và cho vay ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu với tổng số tiền đăng ký là 211.548 tỷ đồng và 15 triệu USD).

Với lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 7%/năm ở các chương trình cho vay bằng tiền đồng khuyến khích đầu tư của NHTM, những cá nhân và DN đầu tư vào các lĩnh vực mà thành phố khuyến khích còn được bù lãi suất nên ở lĩnh vực đầu tư thủy sản, nông nghiệp, công nghệ sinh học…, lãi vay thực trả chỉ còn khoảng từ 1% đến 2%/năm.