Áp lực lợi nhuận, các ngân hàng cắt giảm chi phí tối đa

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Với mục tiêu kế hoạch lãi lớn trong năm 2019, nhiều ngân hàng chịu không ít áp lực và phải tìm cách quản trị chi phí thật tốt, nhất là trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động tín dụng ít nhiều bị ảnh hưởng khi tăng trưởng cho vay chậm lại, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ.

Với mục tiêu kế hoạch lãi lớn trong năm 2019, nhiều ngân hàng chịu không ít áp lực và phải tìm cách quản trị chi phí thật tốt.
Với mục tiêu kế hoạch lãi lớn trong năm 2019, nhiều ngân hàng chịu không ít áp lực và phải tìm cách quản trị chi phí thật tốt.

Báo cáo tài chính (BCTC) quý III của ngân hàng OCB mới đây cho thấy số lượng nhân sự của ngân hàng mẹ giảm mạnh 1.251 người so với cuối năm 2018, từ 7.098 người xuống còn 6.157. Trước đó trong 6 tháng đầu năm OCB cũng đã giảm 310 người. Nhờ vậy, ngân hàng đã kiểm soát chi phí tăng ở mức thấp hơn so với tăng trưởng tổng doanh thu, đặc biệt là ở quý III, nên lợi nhuận đạt tăng trưởng ấn tượng. 

Cụ thể, riêng quý III lợi nhuận trước thuế của OCB tăng vọt 51,6% so với cùng kỳ, đạt 825 tỷ đồng, riêng ngân hàng mẹ lãi 824 tỷ, và lũy kế 9 tháng đạt 1.942 tỷ đồng, cao hơn 15,3% so với 9 tháng đầu năm 2018. 

Một ngân hàng khác cũng cắt giảm mạnh nhân sự là VPBank. Báo cáo tài chính riêng lẻ của VPBank cho thấy nhà băng này đã giảm hơn 2.300 nhân viên chỉ trong vòng 9 tháng. Số nhân viên làm việc cho ngân hàng mẹ giảm từ 11.466 người vào đầu năm xuống còn 9.144 người vào thời điểm 30/9. Tính cả các công ty con, tổng số nhân sự của VPBank (hợp nhất) cuối tháng 9/2019 là 26.733 nhân viên, giảm 696 người so với hồi đầu năm.

Với việc tiếp tục cắt giảm mạnh nhân sự, chi phí hoạt động của VPBank trong quý III chỉ ở mức 3.122 tỷ đồng, tăng nhẹ 18 tỷ tương đương 0,6% so với cùng kỳ năm 2018 và thậm chí giảm 4,3% so với quý II. Chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) 9 tháng của ngân hàng hợp nhất xuống còn 34,7% so với mức 35,8% trong nửa đầu năm. Còn tại ngân hàng mẹ, CIR cũng giảm từ 41,3% hồi cuối tháng 6/2019 xuống còn 38,8% cuối tháng 9/2019. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT của VPBank đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của FE Credit là gần 3.500 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 49% cho lợi nhuận ngân hàng hợp nhất.

Trong báo cáo tài chính mới đây của Saigonbank, cuối tháng 9/2019, nhân sự của ngân hàng này chỉ còn 1.409 cán bộ nhân viên, giảm 21 người so với hồi đầu năm 2019. Nhân sự tại Saigonbank cũng đã liên tục giảm trong 3 năm qua, so với thời điểm cuối tháng 9/2016, số nhân viên của ngân hàng này đã giảm 78 người. ACB 9 tháng đầu năm nay cũng giảm 86 người. Trước đó báo cáo 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến các nhà băng như Vietinbank, BIDV, Bắc Á,..giảm số lượng nhân sự.

Còn tại VietA Bank, các mảng kinh doanh hầu hết có kết quả kém khả quan. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý III chỉ đạt 336,6 tỷ, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Lãi từ các hoạt động kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đều rất thấp, trên dưới 1-2 tỷ đồng. Do đó, VietA Bank cũng nỗ lực tối ưu chi phí hoạt động, khi chỉ tăng 7% trong 9 tháng lên 443 tỷ đồng. Chi phí dự phòng giảm 37% xuống 225 tỷ, giúp LNTT 9 tháng đầu năm đạt 152 tỷ, tăng 10%.

Tương tự, thu nhập lãi thuần 9 tháng của PGBank chỉ đạt 632 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ, trong khi các nguồn thu nhập ngoài lãi quá thấp và không có sự đột biến. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của PGBank chỉ đạt 789 tỷ, giảm 2% so với cùng kỳ, vì vậy PGBank cũng phải thắt chặt chi phí giúp chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 1,5% lên 408 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó cũng là không đủ nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGBank giảm 5,2% so cùng kỳ chỉ đạt 381 tỷ.

Ngược lại tại NCB, dù thu nhập lãi thuần trong kỳ chỉ đạt 705 tỷ, giảm 5% so với cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ 5 tỷ, lãi từ hoạt động khác sụt giảm mạnh 94% xuống còn 5 tỷ, nhưng nhờ cắt giảm mạnh chi phí hoạt động xuống 604 tỷ, tức giảm đến 16% nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng 14%, đạt 127 tỷ đồng.