Áp lực nợ xấu ngân hàng
Nới lỏng tiền tệ là một trong những chính sách quan trọng để phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, trước áp lực nợ xấu ngân hàng đang lớn dần, nhiều ý kiến cho rằng nên thận trọng với công cụ chính sách này.
Nợ xấu tăng mạnh
Trong báo cáo cập nhật ngành mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có sự cải thiện trong quý IV/2021 và đạt ít nhất 12% cho cả năm 2021; tuy vậy, chất lượng tài sản mới là vấn đề đáng lo ngại lúc này của các ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình đã tăng lên 1,64% vào cuối quý III/2021, trong khi tỷ lệ này hồi cuối quý II/2021 là 1,49%.
Ngoài ra, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng đã tăng lên 250.000 tỷ đồng (2,5% tín dụng hệ thống) vào cuối tháng 11/2021, so mức 227.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8.
“Do đó, các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh biên lợi nhuận ròng (NIM) thấp hơn và khẩu vị rủi ro ngày càng tăng”, báo cáo của VNDirect cho hay.
Một thống kê gần đây về nợ xấu của 27 ngân hàng cho hay, tỷ lệ nợ xấu của nhóm này tính đến ngày 30/9/2021 đã ở mức hơn 113.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so hồi đầu năm 2021. Trong số 27 ngân hàng được thống kê, có tới 19 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng, chỉ tám ngân hàng công bố giảm.
“Quán quân” nợ xấu của nhóm này, tính theo giá trị tuyệt đối tăng, là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo số liệu báo cáo, tổng nợ xấu nội bảng của VietinBank tính đến cuối tháng 9/2021 là 18.097 tỷ đồng, tăng 8.579 tỷ đồng (tương đương 90,1%) so đầu năm.
Xét theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay thì hiện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đang là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ hơn 3%. Đây là con số trên báo cáo kết quả hợp nhất toàn hệ thống, có sự tham gia của phân khúc tín dụng tiêu dùng tại FE Credit. Còn riêng tại ngân hàng mẹ VPBank, tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức 2,28%, giảm đáng kể so mức 2,52% hồi đầu năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng đang có tỷ lệ gia tăng nợ xấu đáng báo động vào cuối quý III/2021 so đầu năm là NamABank 148,7%, Vietcombank (108%), VietBank (58,5%), ACB (53,4%), ABBank 46,5%,…
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, theo thông lệ quốc tế, khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay thì nợ xấu trở thành nguy cơ đầu độc không chỉ môi trường tài chính - tín dụng, mà còn cả nền kinh tế. Vì vậy, nỗ lực xử lý nợ xấu là nhiệm vụ không chỉ của các tổ chức tín dụng, của ngành ngân hàng, mà là của toàn bộ hệ thống kinh tế - tài chính.
Đáng lưu ý, con số kể trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” về nợ xấu hiện nay. Bởi vì, Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 (trước đó là Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2020/TT-NHNN ngày 2/4/2021) của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đã khiến cho một phần lớn nợ xấu bị giấu đi, không phản ánh chân thực chất lượng tài sản của các ngân hàng.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có một nghịch lý là trong khi nền kinh tế kiệt quệ vì đại dịch, mỗi tháng trung bình 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhưng lợi nhuận ngân hàng lại tăng trưởng cao. “Chỉ cần nhìn vào lợi nhuận ngân hàng tăng nhưng dòng tiền khó khăn là đủ biết nợ xấu đang rất lớn”, ông Nghĩa nhận định.
Thách thức đối với chính sách tiền tệ
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 25/10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp cho hơn một triệu khách hàng, đạt hơn bảy triệu tỷ đồng.
Sau những nỗ lực trên của hệ thống ngân hàng, hiện mặt bằng lãi suất huy động giảm khoảng 0,4%/năm và lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7%/năm so tháng 12/2020.
Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 dự kiến có quy mô 800.000 tỷ đồng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, một trong những đề xuất quan trọng là tiếp tục củng cố dư địa chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế.
Bàn về nội dung của Chương trình này, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hiện dư địa chính sách tài khóa của chúng ta còn khả quan trong khi không gian chính sách tiền tệ thì hẹp hơn vì thời gian qua đã giảm lãi suất tương đối sâu.
Tuy vậy, theo ông Lực, chúng ta vẫn có thể sử dụng hàng loạt công cụ tác động khác để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm trong năm 2022 và duy trì ổn định trong 2023.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tỏ ra thận trọng hơn khi nhận định, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ, có thể nói đã đến ngưỡng cân nhắc an toàn hệ thống, vì con số nợ xấu (cả nợ xấu tiềm ẩn) đã lên tới 7%.
Trước đó, tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành hồi cuối tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cả hệ thống cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1%-7,7%.
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo bài học từ gói kích cầu tín dụng bằng lãi suất trị giá 17.000 tỷ đồng năm 2009 mà đến nay còn chưa khắc phục xong hậu quả. Theo ông Nghĩa, việc quá lệ thuộc vào chính sách tiền tệ năm 2009 khi bơm ra thị trường gói tín dụng quá lớn trong thời gian ngắn đã gây nên hiện tượng “bong bóng” tài sản và để lại đống nợ xấu khủng khiếp vào năm 2011. Thậm chí, ông Nghĩa còn đề nghị không yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi suất khiến lãi suất bị “méo mó”, doanh nghiệp cần hỗ trợ thì gửi hồ sơ đến Bộ Tài chính.
Dự báo xu hướng lãi suất sắp tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ đi ngang và chậm nhất đến cuối quý II/2022 sẽ tăng nhẹ trở lại. “Các ngân hàng thương mại sẽ không tiếp tục “gồng” lãi suất được nữa, mặt khác họ cũng phải tăng lại lãi suất cho vay để có cơ sở tăng lãi suất huy động nhằm thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế trong năm sau”, ông Minh phân tích.