Dịch Covid-19 bùng phát phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân. Theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm, khi ước đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78-2%, trong khi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là dưới 3%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) khoảng 2,91-3,15% (mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP là dưới 5%).
Trong bối cảnh trên, cơ quan quản lý đã tiếp tục chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt; tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu; tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát đối với các hoạt động có nguy cơ rủi ro cao; chỉ đạo thực hiện các nội dung bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…
Nhà quản lý còn tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng phi ngân hàng triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, trong đó tập trung chỉ đạo các công ty tài chính chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm đúng quy định pháp luật và kiểm soát nợ xấu trong cho vay tiêu dùng.
Liên quan đến các giải pháp tiếp sức cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ cho biết, tại Quyết định số 765/QĐ-TTg ngày 22/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước gần 7.000 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất tổng thể của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại 63 tỉnh, thành phố để sớm có phương án cổ phần hóa Agribank...
Liên quan đến triển khai lộ trình tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc này mặc dù được xác định rất cấp thiết, nhưng quá trình thực hiện đang gặp những khó khăn, vướng mắc. Ngoài Agribank đã được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác gồm: Vietinbank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều đang tiến hành các thủ tục tăng vốn điều lệ theo quy định.
Về tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, theo đánh của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quá trình cơ cấu lại ngân hàng đã mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) được kiểm soát đặc biệt gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án xử lý dứt điểm, nên cần có biện pháp khắc phục...