Áp lực tăng giá điện năm 2015 ngày càng rõ nét
(Tài chính) Với đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên Bộ Công Thương việc bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015, tăng giá điện trong năm nay là điều khó tránh khỏi.
Chi phí đầu vào tăng
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã tiếp tục kiến nghị bổ sung các chi phí đầu vào giá điện năm 2015 lên Bộ Công Thương.
Đại diện EVN kiến nghị, các chi phí đầu vào được bổ sung vào giá điện năm 2015 gồm: tăng giá khí, giá than cho sản xuất điện, thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật Đất đai. Nếu kiến nghị được chấp thuận, giá thành sản xuất, kinh doanh điện tăng lên. Khi đó, việc tăng giá điện năm 2015 là khó tránh khỏi.
Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, áp lực lớn nhất đối với Tập đoàn trong năm 2015 là giải quyết cơ bản được các khoản lỗ đã lên tới 16.800 tỷ đồng. Đại diện EVN dẫn chứng, do điều chỉnh giá than bán cho điện, chi phí đầu vào đã tăng thêm 2.271 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí làm chi phí tăng 1.414 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước tăng từ 1/2/2014 (lên 4%) làm tăng chi phí thêm 1.504 tỷ đồng; phát triển lưới điện nông thôn khiến chi phí tăng thêm 1.019 tỷ đồng…
Ngoài ra, EVN còn phải chịu thêm các khoản chi phí lắp tụ bù; chi phí môi trường… hàng trăm tỷ đồng. Cộng với khoản lỗ treo do tỷ giá 8.800 tỷ đồng từ năm 2013, tổng các khoản lỗ của Tập đoàn đang rất lớn. Để xử lý khoản lỗ này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh: “Cách đầu tiên là tăng giá điện”.
Cần cân nhắc thời điểm tăng giá
Tuy EVN luôn kêu lỗ để tăng giá, nhưng khi công bố kết quả sản xuất, kinh doanh lại khiến dư luận bất ngờ.
Thực tế, từ năm 2012, Tập đoàn này có tổng lợi nhuận khoảng 5.000 tỉ đồng trên tổng doanh thu bán điện hơn 143.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trước đó, EVN đã tăng giá điện 5% vào ngày 22.12.2012 và thu lợi khoảng 7.000 tỷ đồng. Lần tăng giá điện tiếp theo với 5% vào ngày 1/8/2013 cũng giúp EVN thu lợi về tương đương.
Năm 2013, EVN đã 2 lần kiến nghị Chính phủ tăng giá bán điện, mỗi lần tăng thêm 5% đều với lý do các thông số đầu vào biến động tăng. Tại cuộc họp báo công bố giá thành điện mới đây, ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ phụ trách tài chính của EVN cho biết, doanh thu sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của EVN ước tính đạt 172.000 tỷ đồng, dự kiến lãi 4.000 tỷ đồng, sẽ trích để bù lỗ cho kinh doanh điện các năm trước, vì vậy chỉ EVN còn lãi 120 tỷ đồng năm.
Là chuyên gia am tường về hoạt động của EVN, trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, ông Trần Viết Ngãi đã dự đoán với tình hình sản xuất, kinh doanh như hiện nay, ngành điện có thể lãi “vài trăm tỷ đồng” trong năm 2015.
Trả lời với báo giới, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính) cho biết, “Lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả nguyên vật liệu trong nước cũng như trên thế giới không cao là điều kiện thuân lợi để đưa giá than, điện theo thị trường”.
Nhưng theo ông Phạm Minh Thụy, mức điều chỉnh phải dựa trên kết quả kiểm toán minh bạch.
Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, EVN có thể tăng giá điện nếu các yếu tố đầu vào tăng hợp lý. Theo Quyết định 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, EVN được phép điều chỉnh giá điện bình quân kịch trần đến 1.835 đồng/kWh.
Từ ngày 1/8/2013 đến nay, giá bán lẻ điện bình quân vẫn ở mức 1.509 đồng/kWh, tức là EVN còn dư địa để tăng giá điện trong năm nay. Thêm vào đó, theo Quyết định số 69/QĐ-TTg, ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, EVN cũng được quyền tăng giá bán điện trong phạm vi tới 7%.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, EVN cần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí và tổn thất điện năng… để giảm giá thành.