Áp lực với xuất khẩu những tháng cuối năm
Xuất khẩu (XK) 7 tháng năm 2019 ước đạt 145,13 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019, XK đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng 7 - 7,5% so với năm 2018.
Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng XK phải đạt khoảng 23,2 - 23,4 tỷ USD. Đây là áp lực lớn đối với ngành công thương cũng như các doanh nghiệp (DN) XK.
Nhiều yếu tố không thuận lợi, xuất khẩu tăng chậm
Theo đánh giá của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, kim ngạch XK 7 tháng năm 2019 của cả nước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi 7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng XK năm 2019 vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng 7 - 8%.
Nhìn lại kết quả XK 7 tháng qua, Bộ Công Thương lưu ý 4 vấn đề.
Trước tiên là kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc tăng quá thấp. Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, XK sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD) so với nửa đầu năm 2018. Nguyên nhân một phần là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong bối cảnh kinh tế nước này nửa đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều DN Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.
Tiếp đó, kim ngạch XK sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm so với cùng kỳ năm 2018. XK sang thị trường này 6 tháng đầu năm 2019 đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK 5 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; cà phê; thủy sản có sự sụt giảm, kéo XK chung vào EU giảm sút.
Bên cạnh đó, XK phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại và linh kiện, nên khi XK mặt hàng này tăng không cao đã kéo tốc độ tăng trưởng XK chung chậm lại.
Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng XK chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch XK giảm là: thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê và sắn. Tính chung, giá XK giảm đã làm giảm 1,22 tỷ USD kim ngạch XK nhóm hàng nông sản, thủy sản, trong khi tác động tăng về lượng XK chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá XK giảm.
Giải pháp nào hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu?
Dự báo về tình hình XK những tháng còn lại của năm 2019, ông Phan Văn Chinh cho rằng, XK tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Điển hình là tình hình kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không cao. Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của năm 2018.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Đặc biệt, tăng trưởng XK sang Mỹ của Việt Nam thời gian qua cũng đi kèm với rủi ro có thể phải chịu những biện pháp hạn chế từ phía Mỹ. Cùng với đó, các nước cũng tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Năng lực chế biến, bảo quản nông sản đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp...
Trước các thách thức nói trên, Bộ Công Thương dự báo, năm 2019, XK đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng 7 - 7,5% so với năm 2018. Đáng lưu ý, con số này giảm so với dự báo Bộ Công Thương đưa ra vào đầu năm là khoảng 265 tỷ USD, tăng 8 - 10% so với năm 2018.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK những tháng cuối năm, tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ, giải phóng năng lực sản xuất và tạo thuận lợi cho cộng đồng DN. Cụ thể, các đơn vị tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp xây dựng các kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 5 tháng còn lại ở các thị trường và các ngành hàng; đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại; đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ sẽ chịu tác động từ những tranh chấp thương mại; tháo gỡ các rào cản về thủ tục để thúc đẩy XK…