"Sóng gió" với xuất khẩu của Việt Nam khi Nhân dân tệ mất giá
Diễn biến phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang có thể khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này gặp phải "sóng gió"...
Xuất khẩu gặp khó
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lo lắng trước động thái đồng CNY giảm giá mạnh thời gian qua, bởi Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ USD; chỉ đứng sau thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Khi đồng CNY liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức giá của VND trước đồng USD sẽ tạo ra chênh lệch giữa đồng CNY và VND. Lúc này, giá hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn và giảm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Một yếu tố khác sẽ tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là việc Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện chính sách tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc và bù đắp thâm hụt từ việc giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Với chính sách này, nguy cơ hàng hóa chất lượng trung bình và thấp từ Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam. Từ đó, tác động bất lợi khiến khó khăn trong cạnh tranh của hàng hóa nội địa so với hàng Trung Quốc do VND giữ giá. Thậm chí, diễn biến này sẽ làm gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV, trên thực tế, rủi ro và thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những ảnh hưởng đối với xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình là kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 7,5% so với mức tăng 16,5% năm 2018.
Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Để ứng phó với những "sóng gió" của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là việc giảm giá đồng CNY của Trung Quốc vừa qua, cần sự kiên định lập trường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá nhằm tạo niềm tin vào VND của cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá để có giải pháp can thiệp kịp thời; phối hợp với chính sách tài khóa một cách hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan này cần sớm có thông điệp trấn an thị trường.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực lạc quan rằng, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá nếu cần thiết.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ tăng 7,5% so với mức tăng 16,5% năm 2018.
Cùng với cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh phức tạp của thương chiến Mỹ - Trung, các doanh nghiệp cần bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro tiền tệ tác động đối ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp ứng phó.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả. Trong đó, cần thay đổi cách thanh toán, giảm lượng hàng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới tiềm năng hơn để giảm thiệt hại. Đồng thời, chú trọng đến công tác phòng vệ rủi ro tỉ giá, lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.
Theo TS. Cấn Văn Lực, các công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỷ giá, lãi suất... hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn...