Áp trần giá sữa: Cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng

Trang Trần

(Tài chính) Việc áp dụng giá bán tối đa cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua đã nhận được sự quan tâm sát sao của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để làm rõ ý nghĩa của việc áp giá trần mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã có buổi trao đổi thông tin với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp sữa tại Trụ sở Bộ Tài chính ngày 13/6.

Áp trần giá sữa là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng. Nguồn: internet
Áp trần giá sữa là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng. Nguồn: internet
Tại buổi thảo luận, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm  sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi được đưa ra dựa trên bối cảnh thị trường sữa cuối năm 2013, đầu năm 2014, khi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa liên tục điều chỉnh tăng giá sữa.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính thực hiện thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và sau khi xem xét kết quả thanh tra, Chính phủ đã ra quyết định thực hiện 2 biện pháp cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đó là đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng và áp giá trần trong thời hạn 1 năm. Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính thực hiện hướng dẫn 2 biện pháp này.

Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC và lựa chọn 25 mặt hàng sữa làm mẫu. Đồng thời, Bộ cũng ban hành Văn bản số 6544/BTC-GLG nhằm hướng dẫn chi tiết Quyết định số 1079 và tổ chức nhiều lần đối thoại trực tiếp nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như người dân dễ dàng thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, việc áp giá trần cho mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi không những phù hợp với thực tiễn mà còn đúng với đạo lý dân tộc. Mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng phải xem xét bình ổn giá vì đối tượng tiêu dùng là đối tượng yếu thế. Vì vậy, các doanh nghiệp nên xem xét hài hòa lợi ích với người tiêu dùng.

Thêm vào đó, việc áp trần giá sữa được khẳng định là vẫn đem lại lợi nhuận khá cao cho doanh nghiệp dựa trên kết quả thanh tra và đánh giá của Bộ Tài chính và Bộ Công thương về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sữa năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014, cụ thể:

Thứ nhất, nhiều chi phí trong cơ cấu giá của doanh nghiệp chưa hợp lý và có thể tiết kiệm hơn nữa.

Thứ hai, lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp rất cao so với mặt bằng chung.

Thứ ba, diễn biến thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ khoảng năm 2007 đến nay chỉ tăng mà không hề giảm. Thêm vào đó, giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam được đánh giá là cao hơn 4,5 lần các nước khác.

Như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiết giảm chi phí không hợp lý như chi phí khuyến mại, quảng cáo để giảm giá thành và chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuổi (hiện nay cả nước có khoảng 10 triệu trẻ em).

Việc áp giá trần là việc không mong muốn vì Chính phủ cũng như Bộ Tài chính Việt Nam không muốn can thiệp vào quá trình định thành giá của doanh nghiệp, càng không hạn chế hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp lợi nhuận quá cao còn người tiêu dùng là trẻ em không tiếp cận được sản phẩm thì bắt cuộc Nhà nước phải can thiệp nhằm đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Buổi trao đổi thông tin đã giúp cho Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và AmCham, EuroCham cũng như các doanh nghiệp sữa hiểu rõ hơn về việc áp trần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các doanh nghiệp cũng đồng tình với những giải đáp của Bộ Tài chính và mong muốn có thêm nhiều phiên thảo luận, đối thoại đa chiều hơn nữa để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.