APEC thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại

Theo baoquocte.vn

Các Bộ trưởng đến từ 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn APEC đã nhóm họp tại Lima, Peru cuối tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội nghị nhằm mục đích thảo luận và đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác các cơ hội giao thương qua biên giới đang nổi lên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trọng tâm là vào việc thiết lập các điều kiện chính sách hỗ trợ việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhỏ - động cơ tăng trưởng của các nền kinh tế của khu vực, thành các mô hình hiện đại có thể tham gia một cách chủ động hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế.

"Khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực vẫn còn bị cô lập và nhiều hơn số đó có nguy cơ mất đi những lợi ích từ việc hội nhập thị trường ngày càng tăng," Phó Tổng thống thứ hai của Peru Mercedes Araoz giải thích trong phát biểu khai mạc Hội nghị cuối tuần qua tại Lima.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp nằm ngoài thị trường chính thức, các khả năng họ có thể xuất khẩu sản phẩm và trao đổi thương mại đang giảm và do đó năng lực cho phát triển bị hạn chế rất nhiều," bà Mercedes Araoz nói tiếp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp, 40-80% số việc làm và khoảng 60% GDP của các nền kinh tế thành viên APEC, nhưng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu của họ tương đối thấp.

"Chúng tôi đang cố gắng nâng cao vị thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ về nhu cầu và tiềm năng của họ," Bộ trưởng Bộ sản xuất của Peru Bruno Giuffra, đồng thời cũng là người chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC 2016 nói.

"Chúng tôi đã nhận ra những thách thức trong việc giúp các doanh nghiệp nhỏ tối đa hóa lợi ích của việc là một phần của một nền kinh tế khu vực có kết nối với nhau", ông lưu ý.

Hội nghị cũng đã thảo luận về biện pháp thu hẹp khoảng cách trong việc sử dụng công nghệ di động và thương mại điện tử, tiếp cận tài chính, giáo dục và đào tạo cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý.

Các cuộc thảo luận còn nhằm giảm thiểu tác động của chủ nghĩa bảo hộ tăng cao đang cản trở quá trình quốc tế hóa doanh nghiệp nhỏ và sự tham gia vào thương mại quốc tế của các doanh nghiệp này. Thảo luận cũng hướng vào áp dụng biện pháp sản xuất bền vững để giảm lượng khí thải carbon và cải thiện tăng trưởng xanh.

"Các doanh nghiệp nhỏ hiện đại sẽ phải thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng về một thế giới có sự kết nối với nhau", Bộ trưởng Giuffra kết luận. "Một tầm nhìn như vậy đòi hỏi một mức độ cam kết của chính phủ và sự tham gia của khu vực tư nhân để thiết lập các khuôn khổ chính sách và ưu đãi đúng đắn, những thứ rất phù hợp cho APEC để thúc đẩy."