Thị trường nợ châu Á đứng trước thay đổi lớn

Theo thoibaonganhang.vn

Đang có xu hướng của một sự thay đổi lớn, dẫn dắt bởi các ngân hàng đối với các thị trường nợ khu vực châu Á.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bỏ tư duy truyền thống

Những biến cố gần đây của hãng tàu Hanjin Shipping (Hàn Quốc) đã làm rõ một sự thay đổi đang thổi qua thị trường nợ châu Á khi mà các công ty, nhà cho vay và các nhà đầu tư dường như đều hướng đến một “sự bình thường mới” trong tài trợ vốn doanh nghiệp.

Đó là việc các ngân hàng ngày càng ít mặn mà hơn trong việc sẵn sàng là chỗ dựa (tài trợ vốn) cho các tập đoàn hàng đầu nhưng hoạt động ở những lĩnh vực hiện đã tồn tại tình trạng dư cung.

Đó là kết luận được các nhà phân tích tại ngân hàng HSBC đưa ra trong một phân tích mới đây. Tình trạng đòn bẩy nợ tài chính cao của khu vực tư nhân cùng với tình trạng dư cung trong thương mại hàng hóa đang đẩy các ngân hàng châu Á tại các thị trường phát triển trở nên cẩn trọng hơn trong hoạt động cho vay của họ.

Đây là một sự chuyển biến mạnh mẽ nếu xét trong một mối quan hệ có truyền thống lâu nay là các ngân hàng luôn duy trì sự hỗ trợ tài chính cho các công ty lớn trong nước.

Hai dẫn chứng được các nhà phân tích HSBC chỉ ra. Một là vào tháng trước, nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ và khí ngoài khơi Swiber Holdings Ltd của Singapore đã tuyên bố vỡ nợ và chịu chế độ kiểm soát tạm thời do hết vốn hoạt động.

Các nhà quản lý được tòa án chỉ định của công ty này đang phải nỗ lực để giải quyết các khoản nợ của công ty nhằm hoàn thành được một phần trong số các dự án có tổng giá trị 1,67 tỷ USD mà tập đoàn này đang triển khai.

Trường hợp thứ hai là công ty Hanjin Shipping của Hàn Quốc, một trong những hãng tàu biển lớn nhất trên thế giới.

Công ty này cũng đã nộp đơn xin phá sản vào tuần trước, sau những gánh nặng phải trang trải một loạt các nghĩa vụ trái phiếu và các khoản vay nợ trong những năm gần đây trong bối cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Đây có thể xem là 2 trường hợp điển hình quan trọng bởi các công ty này đã không đảm bảo được dòng tín dụng khẩn cấp từ các nhà cho vay chính của họ. Đó là DBS Group Holdings trong trường hợp của Swiber, và ngân hàng Phát triển Hàn Quốc với trường hợp Hanjin Shipping.

Các chuyên gia về thu nhập cố định tại HSBC, dẫn đầu bởi Devendran Mahendran, coi những trường hợp này đánh dấu một sự khởi đầu của những thay đổi trong mối quan hệ truyền thống giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn - đặc biệt là những tập đoàn trong các ngành công nghiệp chiến lược – vốn lâu nay rất bền vững ở các nước trong khu vực. Những mối quan hệ truyền thống này đã giúp khu vực trong quá khứ giữ được tỷ lệ phá sản của các tập đoàn như vậy ở mức thấp.

Đơn cử theo S&P Global Inc, tỷ lệ phá sản trung bình của các tập đoàn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 1993 chỉ là 0,65% trong khi con số này trên toàn cầu khi đó lên tới 1,44%.

Nhưng sẽ không có thay đổi chóng vánh

Từ hai trường hợp trên các nhà phân tích cho rằng, điều này đã cho thấy sự thay đổi của chính phủ và các ngân hàng trong khu vực về hiệu quả của việc vực dậy lĩnh vực then chốt.

“Cả hai trường hợp trên cho thấy, dường như thái độ ở châu Á đang thay đổi và quá khứ hỗ trợ các “nhà vô địch trong nước” của các ngân hàng trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, hoặc như là một phần của chính sách công nghiệp đã cho thấy những hạn chế của nó” – báo cáo phân tích trên chỉ ra.

Tại một trung tâm tài chính như Singapore, ngân hàng đang chịu áp lực ngày càng lớn về việc phải quản lý rủi ro tốt hơn và đảm bảo các nguồn lực chủ yếu phải hướng tới các hoạt động kinh doanh bền vững.

Tương tự như vậy ở Hàn Quốc, sự tăng trưởng thấp kéo dài của nền kinh tế có thể gây áp lực lên chính phủ nước này trong việc phải xem xét lại các chính sách hỗ trợ cho các “nhóm ngành công nghiệp vô địch” nhất là trong những lĩnh vực mà tình trạng dư cung đã diễn ra trong thời gian dài vừa qua.

Như với ngành vận tải biển thế giới, vấn đề hiện nay chính là đội tàu thì quá lớn (dẫn đến cung cho vận tải biển dư thừa) trong khi hoạt động thương mại (cầu cho vận tải hàng hóa) thì tăng trưởng ngày càng chậm lại.

Theo Alex Turnbull, Giám đốc đầu tư của Keshik Capital Pte có trụ sở tại Singapore, những vụ việc vừa qua cho thấy, các nhà cho vay cuối cùng đã có can đảm để rút đi sự hỗ trợ cho các công ty lớn trong các lĩnh vực mà nguồn cung đã quá dư thừa, chẳng hạn trong ngành vận tải và đóng tàu.

“Dường như ít nhất là bên ngoài Trung Quốc, đã có rất nhiều quốc gia từng “dán mác” cho mình với một số ngành công nghiệp được xem là ngành chiến lược và mang tầm lợi ích quốc gia hiện thừa nhận rằng, những ngành này đã thực sự dư cung và không còn là ngành chiến lược nữa. Tiếc là nó chỉ được rút ra sau nhiều năm các ngành đó được hỗ trợ, trợ cấp nhưng đã không mang lại các lợi ích tương xứng” – Alex Turnbull nói.

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà cho vay, cùng với đó là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (tỷ lệ cho vay so với tiền gửi - LDR) ở mức thấp cho thấy nguồn tiền gửi vượt quá cầu tín dụng và theo cách truyền thống đã làm tăng khả năng tháo gỡ các căng thẳng tài chính cho các tập đoàn lớn thông qua các hình thức như đảo nợ.

Hơn nữa, các ngân hàng châu Á thường kỳ vọng sẽ có sự cải thiện trong các ngành mà các khách hàng doanh nghiệp lớn của họ đang hoạt động hay tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trước khi chính thức buộc phải công nhận nợ của các doanh nghiệp ấy là nợ xấu.

Và đến nay, khi cả kỳ vọng (không xảy ra) và đảo nợ thì cũng không thể thực hiện được mãi thì LDR tăng cao và buộc các chính phủ và tổ chức cho vay lớn phải tăng cường kỷ luật trong các quyết định phân bổ tín dụng.

Tuy nhiên, thực tế thì các trường hợp các doanh nghiệp lớn phải đi đến bờ vực phá sản như vậy đến nay chưa nhiều và do đó, tư duy phải thay đổi hỗ trợ cho các doanh nghiệp chiến lược cũng sẽ chỉ diễn ra một cách từ từ.