ASEAN giữa hai "làn đạn" Mỹ - Trung
Các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm xây dựng một khu vực hoà bình, ổn định...trong bối cảnh đầy cam go.
Các nhà lãnh đạo đã nêu bật tầm quan trọng của tăng cường sức mạnh của kinh tế khu vực và nhất trí tập trung vào vấn đề rác thải biển, yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ, môi trường sống của người dân cũng như tài nguyên và sinh vật biển. Vì lí do đó, Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN”, điều này cho thấy cam kết của ASEAN nhằm giải quyết vấn đề rác thải biển.
Đồng thời, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã khai trương Kho vệ tinh ASEAN tại tỉnh Chai Nát của Thái Lan, trong chương trình hậu cần ASEAN về thiên tai khẩn cấp, phục vụ mục tiêu hướng đến phát triển bền vững.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường ứng phó với rác thải trên đất liền và rác thải biển, nhất là sau khi một số nước phát triển đẩy chất thải sang các nước đang phát triển, trong đó có các nước ASEAN. Do đó, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển.
Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, việc đưa ra tuyên bố chung đã khẳng định lại cam kết của các nhà lãnh đạo trong khu vực trong việc bảo vệ sự thống nhất của ASEAN. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và trật tự thế giới dựa trên luật pháp và duy trì một khu vực ổn định mà tất cả các nước đều được hưởng lợi.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là định hướng để Việt Nam và các ASEAN có cách ứng xử phù hợp trước chiến lược mới đối với các nước nằm ở khu vực này.
Về vấn đề kinh tế và an ninh khu vực, lãnh đạo ASEAN nhất trí hợp tác, đẩy mạnh vai trò của khối giữa thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Hiện tại, các nước ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc loại bỏ thuế quan, tự do hóa đầu tư, hợp lý hóa các quy định và thúc đẩy kết nối.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, ASEAN đang phải đối mặt trước các thay đổi "địa chính trị" ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Điều này có thể thấy tại Đối thoại Shangri - La vừa rồi, trong khi Washington đang tăng cường kết nối với các đồng minh theo chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở", thì Bắc Kinh đã liên kết các nền kinh tế từ châu Phi và châu Âu đến châu Á thông qua các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Trả lời phỏng vấn với tờ The Straits Times, nhà phân tích Tang Siew Mun của Iseas-Yusof Ishak cho biết, các quốc quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN đang bị kẹt trong một cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa các nền kinh tế.
"Cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu hòa giải nào và đang phát triển thành một cuộc chiến đa mặt trận. Do đó, với tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới đang có chiều hướng diễn biến khó lường, ASEAN cũng cần có những hành động cụ thể để bảo vệ lợi ích của mình, ông nhận định.
Để đối phó với cuộc chiến thương mại, các quốc gia ASEAN cũng cần tham gia thúc đẩy hoàn tất đàm phán trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 16 quốc gia nhưng hiện vẫn đang gặp khúc mắc trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề tiếp cận thị trường và danh sách hàng hóa được bảo vệ.
Thông qua RCEP, ASEAN có thể xử lý những thay đổi sẽ xảy ra trong khu vực trong tương lai, đặc biệt là làm giảm tác động của cuộc chiến thương mại giữa các đối tác quan trọng của ASEAN. Cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, ASEAN phải tăng cường hơn nữa sức mạnh nội khối.
Đồng thời, việc thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ, nông nghiệp thông minh, chuỗi cung ứng sẽ giúp các quốc gia ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển kết nối tiểu vùng.
Việc xây dựng một ASEAN không có rào cản, thông qua tăng cường thương mại nội khối và đa dạng hóa đối tác được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia trong khu vực trở nên tự cường và giảm phụ thuộc vào các nước bên ngoài.