ASEAN: Khai thác tiềm năng để duy trì vị thế trung tâm đầu tư

Theo mof.gov.vn

Đó là chủ đề chính của Hội nghị xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 (AFMIS 12) vừa được tổ chức vào ngày 6/4 tại thành phố Xê-bu, Phi-líp-pin. Tham dự Hội nghị AFMIS 12 gồm các Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Tài chính của 10 quốc gia thành viên trong khối ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức tài chính toàn cầu và các hãng truyền thông lớn trong khu vực và trên thế giới. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

 
Lãnh đạo Bộ Tài chính các nước thành viên tham dự Hội nghị. Nguồn: internet.

Lãnh đạo Bộ Tài chính các nước thành viên tham dự Hội nghị. Nguồn: internet.

 Chủ đề của Hội nghị AFMIS 12 là "ASEAN: khai thác tiềm năng để duy trì vị thế trung tâm đầu tư". Các nước thành viên ASEAN muốn phát đi thông điệp về một khu vực ASEAN kết nối, gắn kết và thúc đẩy việc xây dựng ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khối.
Tại phiên toàn thể, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN chia sẻ nhận định về tác động của các diễn biến thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới mới đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và lộ trình hội nhập khu vực, như xu hướng bảo hộ thương mại và song phương hóa, chủ nghĩa dân túy, các chính sách hướng nội.
Các Bộ trưởng Tài chính đã gửi đi thông điệp tới các nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh khu vực Châu Á vẫn là khu vực có mức tăng trưởng cao, sẵn sàng thích ứng với các diễn biến mới. Chính phủ các nước ASEAN quyết tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh và thực hiện lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2016-2025.
Các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác để duy trì tăng trưởng kinh tế khu vực, cải cách cơ cấu kinh tế, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nhiều bất lợi nhưng thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục được thúc đẩy thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chia sẻ nhận định về kết quả và biện pháp nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác tài chính ASEAN, nhấn mạnh các nước ASEAN cần thúc đẩy tăng cường kết nối thị trường vốn, thị trường chứng khoán và đẩy nhanh hơn nữa lộ trình tự do hóa dịch vụ tài chính với các kết quả cụ thể.
Liên quan đến thu hút đầu tư cho công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực, Bộ Tài chính Việt Nam đã chia sẻ các chính sách của Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích khơi dậy các ý tưởng sáng tạo, xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng như đường xá, bến cảng, sân bay, năng lượng, xử lý nước thải và cung cấp nước sạch.
  Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: internet.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: internet.

Chính phủ Việt Nam khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng thu hồi vốn, qua đó chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và tư nhân. Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư cho con người cũng được Chính phủ Việt Nam quan tâm, chú trọng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.
Hàng năm, chi ngân sách cho y tế, giáo dục và dạy nghề chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng chi ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách xã hội hóa dịch vụ công như y tế, giáo dục thông qua việc trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; có chính sách hỗ trợ tài chính đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Hội nghị đã có 4 phiên thảo luận chuyên đề về phát triển công nghệ số, phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác và tạo thuận lợi thương mại, phát triển thị trường tiêu dùng. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã đại diện cho Việt Nam tham dự thảo luận về hợp tác và thuận lợi thương mại.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan Việt Nam chia sẻ cam kết và những tiến bộ của Việt Nam trong tạo thuận lợi thương mại, từ việc cải cách thể chế, pháp lý, thủ tục hành chính thông qua xây dựng, ban hành Luật Hải quan mới và các văn bản hướng dẫn thi hành, cho đến việc áp dụng công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật vào hoạt động quản lý hải quan, như hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và cơ chế một cửa quốc gia/ASEAN.
Hải quan Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cũng như hợp tác với hải quan quốc tế nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin nghiệp vụ, từ đó đáp ứng các yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại và quản lý hải quan.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 đã thành công tốt đẹp, qua đó khẳng định ASEAN luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới.