ASEAN-Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện


Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.

Sáng 6/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các đối tác đều khẳng định coi trọng ASEAN, mong muốn hợp tác sâu rộng và thực chất, ứng phó hiệu quả các thách thức. Các nước cũng nhấn mạnh nguyện vọng cùng thúc đẩy đối thoại, hợp tác hướng tới khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm, đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN ở vị trí trung tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.

Các bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao kỷ niệm vào tháng 12/2023 tại Tokyo.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đề cao tầm quan trọng mối quan hệ đối tác tin cậy, gắn bó từ trái tim đến trái tim với ASEAN với những thành quả quan trọng đạt được trong 5 thập kỷ qua, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững tại khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản tái khẳng định ủng hộ đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Quan điểm AOIP của ASEAN, cam kết tiếp tục tích cực tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN chủ trì.

Nhân dịp này, Thủ tướng Kishida mong muốn được đón tiếp các lãnh đạo ASEAN đén dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm tại Tokyo vào tháng 12 tới, khẳng định đây là cơ hội vàng để cùng nhau nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua và đề ra những định hướng, tạo thêm những động lực mới, đưa quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hợp tác ASEAN-Nhật Bản đạt nhiều kết quả. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN, kim ngạch thương mại đạt 268,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản đạt 26,7 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN đánh giá cao Nhật Bản đóng góp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản, hỗ trợ ASEAN thành lập và vận hành Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định RCEP, đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, thanh niên, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, tăng trưởng xanh.

Đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, là thành viên ASEAN và là Đối tác Chiến lược sâu rộng của Nhật Bản, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Thủ tướng đề nghị đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản. Theo đó, đề nghị Nhật Bản tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường Nhật Bản, hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN đã, đang và sẽ tạo thuận lợi cho hơn 15.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản chung tay với ASEAN thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nổi, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn....

Nhấn mạnh Đối tác Chiến lược toàn diện cần hướng đến tương lai phát triển bền vững cho người dân, Thủ tướng hoan nghênh và khẳng định sẵn sàng hiện thực hóa ý tưởng xây dựng khu vực thành trung tâm đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, đề nghị cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, văn hoá, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tích cực phối hợp với ASEAN triển khai hiệu quả các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng và "cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" của Nhật Bản, đồng thời cùng ASEAN hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản ra Tuyên bố chung về hợp tác dựa trên Quan điểm AOIP của ASEAN.

* Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN tái khẳng định lập trường chung về tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có những nội dung như tình hình Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên.

Các nước đối tác ghi nhận và đánh giá tích cực lập trường của ASEAN, cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các vấn đề đang nảy sinh.

Trước những biến chuyển ngày càng phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ASEAN và các đối tác cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong bảo đảm hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó có Biển Đông.

* Chiều nay, ngày 6/9/2023, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tiếp tục tham dự các Cấp cao ASEAN với các đối tác, gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Hoa Kỳ và với Canada.

Theo Hà Văn/baochinhphu.vn