"Tâm chấn" tăng trưởng ASEAN


Gần 6 thập kỷ hình thành và phát triển, khối ASEAN đã định hình rõ hơn vị thế và vai trò của mình trong bối cảnh quốc tế ngày càng khó lường.

Lễ Khai mạc ASEAN BIS 2023 tại Indonesia
Lễ Khai mạc ASEAN BIS 2023 tại Indonesia

Chủ đề của ASEAN 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: tâm chấn của tăng trưởng”. Theo đó, ASEAN sẽ có hai ưu tiên lớn, một là duy trì vị thế và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; hai là biến ASEAN thành một động lực chủ chốt, lan toả hiệu ứng tích cực của tăng trưởng ở trong và ra ngoài khu vực, trở thành một điểm sáng của kinh tế thế giới.

“Đòn bẩy” tăng trưởng

Mệnh đề trên là một xác quyết có cơ sở - xuất phát từ sự biến đổi trật tự thế giới hiện nay. Các cường quốc hội tụ về châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á là khu vực hấp dẫn nhất do sở hữu nhiều tiềm năng về con người, vị trí địa lý cũng như tài nguyên thiên nhiên để chuyển đổi số, phát triển bền vững, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.

Trước hết, ASEAN là thị trường phát triển internet nhanh nhất thế giới, dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng góp 330 tỷ USD vào tổng giá trị hàng hóa (GMV), và thương mại điện tử là lĩnh vực dẫn đầu kinh tế số với tỉ lệ đóng góp 64%.

Đây là điều kiện lý tưởng biến ASEAN thành mảnh đất “màu mỡ” cho khởi nghiệp công nghệ, nơi xuất hiện rất nhiều kỳ lân, như: Sea Ltd - công ty mẹ của Shopee, Razer Inc, Grab Holding Inc, Bukalapak, Lazada, Traveloka,… Với quá trình số hoá còn ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư rất lạc quan về triển vọng dài hạn của Đông Nam Á và hoạt động gây quỹ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Với mật độ phát triển công nghiệp không quá cao, nơi có nhiều nền kinh tế trẻ, mới nổi, một nửa số lượng thanh viên cam kết chấm dứt sử dụng than đá sản xuất điện, ASEAN tràn đầy cơ hội chuyển đổi sang phát triển bền vững, điển hình là năng lượng tái tạo cho mục tiêu “net zero” toàn cầu.

Ước tính ngành công nghiệp xe điện và pin quang điện mặt trời tại Đông Nam Á mang lại doanh thu 90 - 100 tỷ USD vào năm 2030, tạo ra 6 triệu việc làm đến năm 2050. Điều này được chứng minh bởi con số thực tế sau: Việt Nam, Malaysia và Thái Lan sản xuất khoảng 10% pin và mô-đun quang điện mặt trời trên thế giới. Toàn khối nắm giữ 25% trữ lượng nikel và 10% trữ lượng cobal toàn cầu - tài nguyên không thể thiếu sản xuất pin. Đặc biệt, trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn ở Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng” của tương lai.

Ngoài ra, môi trường đầu tư tại ASEAN có độ mở rất lớn - sau vài thập kỷ, các quốc gia cùng nhau chạy đua cạnh tranh hút vốn FDI. Điều đó đã làm giảm thiểu chi phí thuế, cơ hội tiếp cận tài nguyên cho các công ty đa quốc gia. Giờ đây, khu vực đang đứng trước cơ hội đón dòng vốn rút khỏi Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ khai mạc ASEAN BIS 2023, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch ASEAN-BAC năm 2023, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cho biết, với chủ đề “Tính trung tâm của ASEAN: Đổi mới lớn hơn hướng tới tính toàn diện”, ASEAN-BAC quyết tâm biến ASEAN thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất và điểm đến thương mại trên thế giới.

“Chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu và roadshow để nhận được sự hỗ trợ từ các nước đối tác như Trung Quốc, Canada, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. ASEAN-BAC rất tập trung vào tính trung tâm, đổi mới và toàn diện, bắt nguồn từ các giá trị cơ bản của 5P, cụ thể là Con người, Hành tinh, Thịnh vượng, Hòa bình và Quan hệ đối tác,” ông Arsjad giải thích .

Theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ARMO), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 6,2%.  
Theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ARMO), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 6,2%.  

Việt Nam – “điểm sáng” khu vực

Đóng góp cho hệ giá trị ASEAN ngày càng hấp dẫn, Việt Nam là mắt xích tối quan trọng. Trong 1 thập kỷ qua, không một quốc gia nào xuất hiện nhiều hơn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế lớn: Việt Nam đã hai lần trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là khách mời tham dự Thượng đỉnh G7, G20; Là điểm đến của nhiều cường quốc, đối tác với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Vậy giá trị của Việt Nam trong ASEAN là gì? Việt Nam từng bước gầy dựng uy tín dựa trên chiến lược ngoại giao đa phương, tích cực hội nhập thân thiện và cởi mở; chính sách quốc phòng “4 không”. Đây là giá trị phổ quát mà nhân loại yêu chuộng hòa bình đang nỗ lực phục hồi trở lại trong bối cảnh thế giới phân mảnh, đối đầu, nghi kỵ lẫn nhau. ASEAN hiện nay cũng được định hướng theo lộ trình như vậy.

Điều này có ý nghĩa gì? Châu Á - Thái Bình Dương tồn tại làn sóng ngầm “rung lắc” dữ dội trước cạnh tranh Trung - Mỹ, với tâm chấn là ASEAN. Nhiều học giả phương Tây nhận định, các quốc gia trong khu vực khó tránh khỏi tình thế “chọn phe”. Nhưng lịch sử cho thấy chính sách “thiên cực” không đem lại tương lai vững bền. Quy luật tồn tại là biện chứng, không thể tách rời nhau.

Tiếp đến, bản thân Việt Nam sở hữu nội lực mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, ngoại giao, xã hội, nhân khẩu học, chỉ số khởi nghiệp và vị thế địa chính trị mà ít quốc gia có được.

Ngoài ra, Việt Nam có đầy đủ cơ chế hợp tác về thương mại, đầu tư, đóng vai trò như một “xa lộ kinh tế” kết nối khu vực và thế giới. Trong đó, phải kể đến các hiệp định đã được ký kết và đang đàm phán với tổng cộng 19 FTAs - nhiều nhất trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực; trung tâm năng lượng tái tạo dẫn đầu ASEAN.

Tỷ trọng GDP của Việt Nam trong khu vực đang tăng nhanh, từ mức 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8%. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm đều đặn, ổn định, OECD nhận định Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng như đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn