Đoàn kết đưa "con tàu ASEAN" tiến về phía trước


Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (JCC), Indonesia vào sáng 5.9 dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo. Sự kiện này truyền tải thông điệp về tinh thần đoàn kết trong khối, nỗ lực đưa tầm vóc ASEAN ngày càng lớn mạnh, trở thành tâm điểm của tăng trưởng ở khu vực và thế giới.

Chuỗi hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN - Nguồn: VGP
Chuỗi hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN - Nguồn: VGP

Sứ mệnh của "con tàu vĩ đại"

Bên cạnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, chương trình kỳ hội nghị lần này còn bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 26, Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 18 và các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Canada, Liên Hợp Quốc và nhiều nước khác.

Chuỗi hội nghị lần này thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên, Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại, đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), 2 quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook, cùng 9 tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi ASEAN và các đối tác thúc đẩy hợp tác bình đẳng và cùng có lợi để biến ASEAN thành trung tâm tăng trưởng toàn cầu. Ông nhấn mạnh, ASEAN vẫn luôn giữ vững được tình đoàn kết; tuy nhiên, đoàn kết không có nghĩa là không có sự khác biệt về quan điểm.

“Là một quốc gia có nhiều dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo đa dạng, Indonesia coi sự thống nhất là sự hòa hợp giữa những khác biệt, bao gồm cả bất đồng. Sự khác biệt về quan điểm thực sự làm phong phú thêm nền dân chủ. Nó cho thấy tất cả chúng ta như một gia đình đều bình đẳng như thế nào”, Tổng thống Joko Widodo nói.

Ông nhấn mạnh, bình đẳng thực chất là “giá trị cốt lõi” mà hiệp hội cùng nhau tôn trọng và đề cao trong khuôn khổ đoàn kết và gắn kết để đưa “con tàu vĩ đại ASEAN” tiếp tục tiến về phía trước. Trước những thách thức ngày càng gia tăng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, ASEAN đã nhất trí không trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ cường quốc nào và sẵn sàng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng; cho rằng thế giới như một đại dương quá rộng để có thể một mình chèo lái, nhà lãnh đạo Indonesia kêu gọi “các con tàu khác”, cụ thể là các đối tác đối thoại của ASEAN cùng hợp lực để đưa ASEAN trở thành “sân chơi hợp tác công bằng và cùng có lợi”, hướng tới “tâm điểm tăng trưởng”.

"Đừng biến con tàu ASEAN của chúng ta trở thành đấu trường cạnh tranh gây thiệt hại cho nhau. Hãy biến con tàu của chúng ta thành nền tảng để xây dựng hợp tác và tạo ra sự thịnh vượng, ổn định và hòa bình không chỉ cho khu vực mà còn cho cả thế giới", ông phát biểu.

Trong những ngày tới, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề định hình tương lai của ASEAN với tư cách là cộng đồng và thể chế. Điều này bao gồm các bước nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định trong các cuộc khủng hoảng và trường hợp khẩn cấp, cũng như các bước nhằm tăng cường năng lực của ASEAN nhằm ứng phó với những thách thức mới nổi trong khu vực.

Các trọng tâm chính

Diễn ra từ ngày 5 - 7.9 với 12 cuộc họp cấp cao, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị có liên quan tập trung thảo luận 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại; đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình và thịnh vượng.

Một trong những văn kiện quan trọng nhất dự kiến được các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét thông qua tại kỳ hội nghị lần này là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV. Đây là sáng kiến của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 và sẽ đóng vai trò là nền tảng cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045, giúp củng cố ASEAN để giải quyết các thách thức khác nhau trong tương lai. Công tác xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 bắt đầu được khởi động trong năm nay dưới sự chỉ đạo của HLTF (Nhóm đặc trách cấp cao) do Indonesia và Malaysia đồng chủ trì.

Dự kiến, tầm nhìn này sẽ chính thức được thông qua vào năm 2025. Thực tế, ASEAN đã xem xét tầm nhìn trong 5 năm, 10 năm, nhưng đây là tầm nhìn 20 năm sau năm 2025 cho đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên ASEAN có một tầm nhìn mang tính chiến lược dài hạn đến như vậy. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, ASEAN phải có năng lực đối mặt với những thách thức trong tương lai. Vì vậy, Tuyên bố ASEAN dự kiến sẽ làm nền tảng cho tầm nhìn dài hạn của hiệp hội đến năm 2045.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận và thống nhất một số nội dung bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, nhất là trong các tình huống khủng hoảng, sự cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Jakarta - nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (ASEC), tăng cường vai trò của Tổng Thư ký ASEAN và gia tăng nguồn kinh phí đóng góp.

Được thành lập vào năm 1967, ASEAN gồm có Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị cấp cao ASEAN là nơi hoạch định chính sách cao nhất trong ASEAN bao gồm những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các quốc gia thành viên hiệp hội. Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên được tổ chức tại Bali, Indonesia vào ngày 23 - 24.2.1976.

Hội nghị Cấp cao ASEAN cũng có thể được triệu tập bất cứ khi nào cần thiết, như các cuộc họp đặc biệt hoặc đột xuất do quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì, tại các địa điểm được các quốc gia trong khối nhất trí. Gần đây nhất, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về đại dịch Covid-19 đã được tổ chức vào tháng 4.2020.

Trên khía cạnh kinh tế, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh. Tất cả những điều đó sẽ giúp củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là trung tâm tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh ASEAN có nguồn lực mạnh với dân số hơn 650 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình toàn cầu và tương đối ổn định, ASEAN cần phải tiếp tục duy trì xu hướng tích cực này. Dữ liệu của ASEAN cho thấy trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của ASEAN đạt 3,98%, cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu là 2,6%. 

Được biết, Indonesia đã đưa ra 16 sáng kiến ưu tiên kinh tế (PED) trong năm chủ tịch. Dự kiến 11 sáng kiến ưu tiên kinh tế sẽ được hoàn tất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 này. Trong khi đó, 5 Sáng kiến còn lại sẽ sớm được hoàn tất trong quý IV.2023.

Trong khuôn khổ hội nghị, chủ nhà Indonesia cũng tổ chức Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF), tập trung vào 3 chủ đề thời sự là cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế sáng tạo; tài chính đổi mới và bền vững. Thực tế, một trong những ưu tiên của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN là khuyến khích việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Trong 5 thập kỷ qua, ASEAN đã xây dựng một cấu trúc khu vực bao trùm và khối này đã nổi lên như một tổ chức đi đầu về ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, Indonesia tiếp tục thúc đẩy hợp tác cụ thể và toàn diện với tất cả các đối tác ASEAN.

Ngoài ra, đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận tình trạng bất ổn dân sự kéo dài ở Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine và tình hình biển Đông. Dự kiến, khoảng 50 văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận và thông qua, liên quan đến nhiều vấn đề, nội dung xuyên suốt trong cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Theo daibieunhandan.vn