ASEM FinMM12: Đối tác để kết nối thịnh vượng Á - Âu
Ngày 10/6/2016, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 12 (ASEM FinMM12) với chủ đề “Đối tác để kết nối thịnh vượng Á - Âu” được tổ chức tại Ulan Bator, Mông Cổ. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ECB, SRB, EBRD, EIB, ESM, OECD, ADB, AIIB, ASEAN+3 (AMRO) và Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á- Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) với vai trò khách mời đặc biệt, cùng đại diện của 43 quốc gia thành viên ASEM. Tại đây, đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam đã có trao đổi, góp ý vào dự thảo Thông cáo chung, góp phần vào sự thành công chung của Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Mông Cổ, ông Bolor Bayarbaatar khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác liên khu vực giữa các nền kinh tế ASEM, cũng như việc thúc đẩy hợp tác về tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường từ việc tăng cường kết nối giữa 2 khu vực Á - Âu.
Phát triển kinh tế vĩ mô và triển vọng của khu vực Á - Âu
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần này đã tập trung thảo luận các vấn đề cùng quan tâm dựa trên chủ đề “Đối tác để Kết nối thịnh vượng Á – Âu”. Theo đó, nhấn mạnh sự cần thiết đối với khu vực Á - Âu trong việc thúc đẩy hợp tác thông qua tăng cường quan hệ đối tác, với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Các quốc gia thành viên đã chia sẻ các quan điểm về phát triển kinh tế vĩ mô và triển vọng trong khu vực cũng như những phản hồi chính sách thích hợp cho ASEM nhằm giải quyết các rủi ro, các lỗ hổng kinh tế vĩ mô để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính cho rằng: Nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục được phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn còn ở mức khiêm tốn và không đồng đều giữa các khu vực và các quốc gia. Tăng trưởng chung tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục bị chậm lại (mặc dù vẫn là phần đóng góp chính cho tăng trưởng toàn cầu), trong khi sự phục hồi khiêm tốn này vẫn tiếp tục tại các nền kinh tế tiên tiến. Triển vọng tiếp tục được duy trì một cách đa dạng giữa các quốc gia. Nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong bối cảnh lạm phát thấp và rủi ro toàn cầu cao. Với tăng trưởng khoảng 5,25%, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất trên thế giới. Hội nghị đã ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp của các quốc gia thành viên nhằm ổn định nền kinh tế trong khu vực, cải thiện khả năng phục hồi của thị trường tài chính, cũng như các chính sách phát triển kinh tế, cải cách cấu trúc và tăng cường đầu tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao năng suất và tỉ lệ việc làm…Bởi vậy, các Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường sự thích ứng của các nền kinh tế và thúc đẩy sự phối hợp chính sách quốc tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng giữa các quốc gia thanh viên.
Đảm bảo ổn định tài chính trong khu vực và toàn cầu
Hội nghị cũng đã thảo luận các vấn đề nhằm đảm bảo ổn định tài chính khu vực và toàn cầu. Các Bộ trưởng đánh giá cao vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như các thỏa thuận tài chính khu vực (RFAs), cụ thể là thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trong việc giữ gìn ổn định tài chính trong khu vực.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc chống gian lận thuế, lập kế hoạch thuế tích cực và trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo trên mạng, tham nhũng và các hành vi tài chính bất hợp pháp khác; trong việc cải thiện tính minh bạch quyền thụ hưởng của các pháp nhân và các thể chế pháp lý và thực hiện theo các tiêu chuẩn của FATF. Với mục đích này, các Bộ trưởng ủng hộ việc triển khai các cam kết trong các diễn đàn quốc tế có liên quan như G20, OECD, FATF và Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin dùng cho các mục đích thuế, đặc biệt là về Các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) cũng như Tự động trao đổi thông tin (AEOI) theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính (CRS) dùng cho mục đích thuế và phòng chống sự lạm dụng cho các mục đích bất hợp pháp của các pháp nhân và các thể chế pháp lý. Các biện pháp phòng chống có thể được các thành viên ASEM xem xét áp dụng khi thích hợpnhằm chống lại các chủ thể pháp lý không hợp tác nếu quá trình đánh giá bởi Diễn đàn toàn cầu chưa được thực hiện.
Tăng cường hợp tác giữa 2 khu vực
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng tái khẳng định các cam kết để tăng kết nối giữa các khu vực thông qua việc thúc đẩy đầu tư và các dòng chảy thương mại liên khu vực, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong khi vẫn củng cố được quan hệ đối tác hiện có và đề xuất cách thức mới mới cho hợp tác kinh tế. Hội nghị đã ghi nhận việc đầu tư chất lượng cao về cả nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng có thể đóng góp cho tăng trưởng toàn diện và bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển và gia tăng thương mại. Với mục tiêu này, các Bộ trưởng tái khẳng định việc hỗ trợ thực hiện các dự án Đối tác Công – Tư (PPP), đồng thời nhấn mạnh công tác quản lý nguồn lực công và thị trường PPP được nâng cao, môi trường tài chính được cải thiện nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên ASEM.
Các kết luận của Hội nghị này được coi là đầu vào quan trọng cho các Bộ trưởng Tài chính phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 11, được tổ chức từ ngày 15 – 16/7/2016 tại Ulan Bator, Mông Cổ. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 13 sẽ được tổ chức dưới sự chủ tọa của Bun-ga-ri vào năm 2018.