AVG đã lỗ nặng đến đâu trước khi về với Mobifone?
Trong khi AVG phải chịu những khoản lỗ khổng lồ thì Mobifone lại đánh giá đây là doanh nghiệp tiềm năng với giá trị nghìn tỷ.
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vào thời điểm MobiFone xác định giá trị của AVG để mua cổ phần, tình hình tài chính của công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến 31/3/2015, tổng tài sản của AVG là 3.260,686 tỷ đồng. Nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng tương đương 45% vốn điều lệ.
Vốn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình của công ty này chủ yếu là vốn đi vay và vốn chiếm dụng. Trong khi vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp lại chiếm tới 73,3% vốn điều lệ. Tính đến hết 31/3/2015, AVG đã đầ tư ra ngoài 2.659,907 tỷ đồng.
Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với số tiền 2.473,2 tỷ đồng.
Với công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh, AVG đã bỏ ra 673,2 tỷ đồng để chuyển nhượng 3,96 triệu cổ phần công ty này. Mức giá khi thương vụ diễn ra là 170.000 đồng/cổ phần nhưng mệnh giá thật khi đó chỉ vào khoảng 10.000 đồng. Mục tiêu của công ty Nghe nhìn Toàn cầu khi đó là khu đất tại Hà Đông của công ty giống tằm đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản. Nhưng thực tế, hiện nay việc chuyển đổi vẫn chưa triển khai. Khu đất của công ty Mai Lĩnh vẫn đang được thuê của Nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp.
Khoản đầu tư 1.800 tỷ đồng để chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại công ty cổ phần An Viên B.P với mức giá 120.000 đồng/cổ phần cũng cao hơn 12 lần mệnh giá. AVG dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép dự án khai thác mỏ bouxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên lúc này công ty cổ phần An Viên B.P vẫn chưa được cấp quyền khai thác này.
Mặc dù 2 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính và có dấu hiệu bất thường nhưng Mobifone vẫn mua 2 khoản này.
Tới khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin & Truyền thông phê duyệt. Mobifone đã báo cáo không trung thực, đầy đủ. Không đánh giá đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG. Thậm chí còn đưa ra những đánh giá khả qua về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Cụ thể đánh giá của Mobifone: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng”.
Các tính toán hiệu quả đầu tư dự án mua cổ phần AVG từ 2015 đến 2020 như số lượng phát triển thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu, giá vốn, chi phí lãi vay, lợi nhuận… đều dựa trên các giả định.
Sau khi việc mua cổ phần AVG được thực hiện, nguy cơ thiệt hại phần vốn Nhà nước tại Mobifone đã vào khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.