Ba động lực cho tăng trưởng

Theo Bình An/thesaigontimes.vn

(Tài chính) Bước sang năm 2015, tăng trưởng GDP được kỳ vọng sẽ ở mức cao hơn năm 2014 nhờ vào sự khởi sắc của ba động lực chính: xuất khẩu, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân.

Với định hướng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều hướng sâu hơn trong năm 2015, Chính phủ nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ theo chiều hướng thận trọng và linh hoạt. Có ba động lực chính có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay.

Thứ nhất, khu vực kinh tế FDI và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ những cơ hội do hội nhập mang lại. Về xuất khẩu, năm 2015 được hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam do thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ (chiếm 20%) dự kiến vẫn có mức tăng trưởng kinh tế tốt (Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Mỹ tăng trưởng 3,2% trong năm 2015).

  Ba động lực cho tăng trưởng  - Ảnh 1

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sang thị trường này như dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử... được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2014. Các thị trường xuất khẩu khác như EU, Nhật Bản có thể sẽ không có nhiều cải thiện do hồi phục kinh tế tại các khu vực này khá yếu cộng thêm tác động lên giá của tiền đồng so với euro và yen Nhật (khoảng 5-7%) sẽ hạn chế phần nào sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, về cơ bản, dưới tác động của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và một loạt các FTA được ký kết (FTA với Hàn Quốc, FTA với EU và xa hơn nữa là TPP), xuất khẩu của Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục là một điểm sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Thứ hai, tiêu dùng hộ gia đình cũng có thể sẽ phục hồi mạnh hơn. Kinh tế suy giảm trong suốt giai đoạn 2011-2013 đã phần nào thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng thận trọng và tiết kiệm hơn (doanh số bán lẻ trong giai đoạn này chỉ tăng khoảng 5-6%/năm). Bước sang năm 2015, với mặt bằng giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm ổn định, giá mặt hàng xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm cùng xu hướng tăng dần của thu nhập, người tiêu dùng được dự báo sẽ tăng chi tiêu, đóng góp lớn hơn vào mức tăng trưởng GDP chung.

Thứ ba, khu vực đầu tư tư nhân cũng có thể khởi sắc hơn trong năm 2015. Niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn, mặt bằng lãi suất ở mức thấp hơn, tình hình lạm phát, tỷ giá ổn định, thị trường tiêu thụ được mở rộng nhờ hội nhập và những cải cách mới đây về khuôn khổ pháp lý như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi... sẽ là những nhân tố kích thích các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh trở lại.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, có một số yếu tố có thể sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng GDP trong năm 2015. Đó là chi tiêu của Chính phủ có thể sẽ sụt giảm do tác động tiêu cực của việc giá dầu thô giảm ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với giả định giá dầu thế giới trung bình ở mức 60 đô la Mỹ/thùng trong năm 2015 thì ngân sách dự kiến sẽ hụt thu khoảng 37.000 tỉ đồng so với dự toán (tương đương 4% tổng thu ngân sách). Khi nguồn thu hụt đi, các biện pháp thay thế sẽ được Chính phủ tính đến, trong đó không loại trừ khả năng sẽ cắt giảm chi tiêu để giữ cân bằng ngân sách.

Bên cạnh đó, nhập siêu cũng được dự báo có thể sẽ quay trở lại trong năm 2015 khi Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước đã có ký kết hiệp định thương mại cắt giảm thuế quan.