Ba quốc gia phát triển trụ sạc nhanh nhất châu Âu
Ba quốc gia hiện chiếm 70% số trụ sạc pin cho xe điện ở Liên minh châu Âu là Hà Lan, Pháp và Đức, và đang tiếp tục mở rộng hơn nữa số trạm sạc.
Một nghiên cứu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) đã chỉ ra sự chênh lệch về tốc độ mở rộng mạng lưới trụ sạc điện giữa các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, được đăng tải trên tờ AutoNews.
Theo báo cáo, Hà Lan, Pháp và Đức chiếm 70% trong số 225 nghìn trụ sạc điện công cộng của khu vực Liên minh châu Âu.
Nhiều nhất là Hà Lan có 66.665 trụ, trong khi Pháp tự hào có 45.751 và Đức báo cáo 44.538 đơn vị sạc.
Sau 3 quốc gia dẫn đầu, các số liệu trở nên đáng chú ý với Ý ghi nhận có 13.073 trụ sạc, Thụy Điển thiết lập được 10.370 trụ cho đến thời điểm này.
Ở đầu kia của danh sách, cả Síp, Malta, Lithuania, Bulgaria, Hy Lạp hay Romania đều chưa sở hữu quá 500 trụ sạc.
Nghiên cứu của ACEA cũng chỉ ra sự khác biệt về kinh tế giữa các thành viên EU.
Chỉ với 0,8% diện tích của EU, người Hà Lan phát triển được về 29,7% số trụ sạc điện.
Ngược lại, Romania chiếm 5,8% tổng diện tích của châu Âu, nhưng chỉ xây được 493 trụ sạc (0,2%) trong tổng số 225.000 đơn vị.
Trong khi doanh số bán xe điện của châu Âu tăng 89% vào năm 2020, cơ sở hạ tầng sạc không tương xứng có thể cản trở việc triển khai xe điện.
Theo tính toán của ACEA, EU cần triển khai 6 triệu thiết bị đầu cuối (trụ sạc công cộng) để cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030.
Mặc dù nghiên cứu vẽ ra một bức tranh không mấy khả quan cho các mục tiêu của EU, nhưng nó cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nước châu Âu.
Nếu EU muốn đẩy nhanh xe điện, cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phân phối lại nguồn lực sạc điện cho các quốc gia nghèo nhất EU.
Xét cho cùng, thật khó có thể đưa ra lệnh cấm động cơ diesel và xăng khi không có đủ trạm sạc điện để cung cấp năng lượng.