Ba tín hiệu dẫn hướng chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm 2025
Tái định giá cổ phiếu, xuất khẩu ngắn hạn và dư địa chính sách tiền tệ là ba tín hiệu chính giúp nhà đầu tư định hình chiến lược hợp lý trong phần còn lại của năm 2025.
VN-Index đang ở ngưỡng 1.380-1.400 điểm, đưa thị trường vào quỹ đạo ổn định hơn nhưng không kém phần phân hóa. Đây là thời điểm giới đầu tư cần rà soát danh mục, nhận diện cơ hội tái định giá, đồng thời cân đo rủi ro về sức bật xuất khẩu và dư địa chính sách tiền tệ.
Cơ hội tái định giá sau cú sốc thuế quan
VN-Index bứt phá, tiệm cận 1.400 điểm, mức cao nhất kể từ 2023. Đáng chú ý, hơn 150 điểm tăng kể từ đầu quý II/2025 chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ, trong khi nhiều mã vốn hóa trung bình và nhỏ, đặc biệt ở lĩnh vực xuất khẩu, vẫn bị định giá thấp.
Sau hai năm bị “nén” lại bởi rủi ro thuế, mặt bằng định giá của những doanh nghiệp này hiện thấp hơn bình quân khu vực từ 10% đến 20%. Khi các rào cản thương mại dần được tháo gỡ, dòng tiền đang dịch chuyển khỏi nhóm an toàn để tìm lại phần “chiết khấu” còn sót.
Tín hiệu định giá lại tạo cơ hội tái cơ cấu danh mục, song chọn lựa phải dựa trên nền tảng cơ bản chứ không chỉ dựa vào “câu chuyện” hậu thuế. Doanh nghiệp có biên lợi nhuận ổn định, nợ vay ngoại tệ thấp và thị phần xuất khẩu bền vững sẽ là điểm đến ưu tiên.
Nhà đầu tư trung hạn nên tranh thủ giai đoạn thị trường tạm lắng để gom dần, tránh mua đuổi khi giá bứt lên mạnh kèm thanh khoản đột biến vì lượng hàng “lỏng” ở nhóm trung bình vẫn khá cao.
Xuất khẩu tăng tốc, cổ phiếu nào xứng đáng chiếm tỷ trọng cao?
GDP quý II/2025 tăng trưởng 7,96%. Số liệu hải quan cho thấy, kim ngạch hàng dệt may, da giày và linh kiện điện tử bật tăng lần lượt 18 % đến 22 % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bức tranh này mang màu sắc tạm thời, khi các đối tác đã “gom hàng” xong trước thời hạn, đơn hàng quý III được dự báo hạ nhiệt, nhất là ở những ngành phụ thuộc mạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Tổng cầu toàn cầu cũng chưa thật sự hồi phục bền vững khi tăng trưởng của Mỹ chậm lại, châu Âu còn đối mặt lạm phát dai dẳng.
Rủi ro xuất khẩu chững lại không chỉ ảnh hưởng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết mà còn tác động tới dòng tiền ngoại tệ và trạng thái cán cân vãng lai. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát đơn hàng mới (PMI đơn đặt hàng xuất khẩu) và cập nhật kế hoạch sản xuất quý III của các doanh nghiệp chủ chốt.
Những mã đã tăng mạnh nhờ bùng nổ đơn hàng quý II có thể đối mặt áp lực chốt lời khi số liệu tháng 7-8 phản ánh mức nền cao. Ngược lại, các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ đa dạng hoặc hưởng lợi từ chuỗi cung ứng nội khối ASEAN sẽ chống chịu tốt hơn và xứng đáng chiếm tỷ trọng cao hơn trong danh mục.
Nếu “vặn” thanh khoản ngắn hạn, nên dự phòng tỷ lệ tiền mặt linh hoạt
Tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,3 %, nhưng dòng vốn mới chủ yếu chảy vào bất động sản và tiêu dùng thay vì sản xuất hữu hình. Thực trạng này làm tăng gánh nặng nợ xấu tiềm ẩn và chưa tạo lực kéo cho xuất khẩu hoặc tăng năng suất.
Ở chiều vĩ mô, VND đã giảm gần 3 % so với USD từ đầu năm; dự trữ ngoại hối quanh 75 tỷ USD, mỏng nhất năm năm qua. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chuyển từ bơm ròng sang hút ròng trên thị trường mở, cho thấy dư địa nới lỏng lãi suất đang co lại. Mặt bằng lãi suất cho vay có dấu hiệu nhích nhẹ ở các kỳ hạn dài, đặc biệt với khoản vay USD.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất từ tháng 9 có thể giảm áp lực tỷ giá, song độ trễ sẽ kéo dài ít nhất 2 quý.
Nhà đầu tư vì vậy nên quản trị rủi ro lãi suất với doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn và theo dõi sát diễn biến thị trường mở của NHNN. Danh mục nên cân bằng giữa nhóm có dòng tiền xuất khẩu USD ổn định và nhóm bán lẻ, tiêu dùng được hưởng lợi khi lãi suất trong nước ổn định.
Khả năng thị trường xuất hiện những đợt “vặn” thanh khoản ngắn hạn khi nhà điều hành hút tiền mạnh cũng cần được dự phòng bằng tỷ lệ tiền mặt linh hoạt hoặc sử dụng hợp đồng tương lai để phòng thủ.