Vướng mắc trong xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm
Bài 1: Áp lực thu hồi nợ đọng
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11.2018, tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so kế hoạch giao thu năm 2018. Trong khi đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng gia tăng...
Quyết liệt nhưng nợ vẫn cao
Với quyết tâm giảm tỷ lệ nợ BHXH năm 2018 về mức 2,56%, ngay từ đầu năm, BHXH thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động.
Theo thống kê trong 11 tháng đầu năm, BHXH thành phố đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH tại 2.326 đơn vị với tổng số tiền nợ là 795,5 tỷ đồng - chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia; thanh tra chuyên ngành và kiểm tra đột xuất 586 đơn vị truy thu nguyên lương trên 6 tháng và có dấu hiệu vi phạm về giải quyết chế độ cho người lao động.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, đến hết tháng 11.2018, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố là 1.301 tỷ đồng, bằng 3,3% số phải thu (giảm 256 tỷ đồng, tương đương 11% so với cùng kỳ năm 2017).
Tương tự tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan BHXH đã chủ động, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 4.000 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 93 đơn vị vi phạm quy định về bảo hiểm; qua đó các đơn vị nợ đọng kéo dài cũng đã chuyển khoảng 50% trong tổng số nợ; chủ sử dụng lao động tại các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, đóng BHXH cho những trường hợp người lao động chưa được đóng lên đến hơn 3.100 người.
Không riêng gì hai thành phố trên, trong năm 2018 với sự chỉ đạo quyết liệt từ BHXH Việt Nam cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã ráo riết ra quân và sử dụng mọi biện pháp để thu hồi tiền nợ BHXH. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, người lao động và doanh nghiệp về chính sách BHXH.
Tuy nhiên dù đã áp dụng và ra quân trên mọi “mặt trận” nhưng số nợ BHXH khó đòi ở các địa phương vẫn còn khá lớn. Tại Hà Nội, theo thống kê số nợ BHXH vẫn cao hơn mức trung bình, ảnh hưởng đến chế độ BHXH, BHYT của hơn 300 nghìn lao động. Chỉ tính riêng quận Hà Ðông, hiện còn tới 2.174 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền phải tính lãi gần 100 tỷ đồng, bằng 7,07% so với kế hoạch thu (giảm 5,4% so năm 2017). Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ BHXH, BHYT, BHTN ở địa bàn TP Hồ Chí Minh lên tới khoảng 1.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,81%.
Chưa khởi tố được vụ nào
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018 đã bổ sung 04 điều quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm là: Điều 213: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Điều 214: Tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 quy định về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Những quy định này cùng với các quy định mới của một loạt các đạo luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng hình sự… đã tạo ra nhiều cơ chế để thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, lao động và trên thực tế nó đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm kể từ khi Bộ luật có hiệu lực thi hành, vẫn chưa khởi tố vụ án nào, dù cơ quan bảo hiểm xã hội đã gửi gần 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Nói về những khó khăn khi không thể khởi tố vụ nào dù tình trạng nợ BHXH đang ở mức đáng báo động, đại diện Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cho biết: Mặc dù đã có quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT (Khoản 2, Điều 138, Luật Bảo hiểm xã hội; Khoản 1, Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế), tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi bị coi là tội phạm về BHXH, BHYT, nên thực tế không xử lý được. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh thuộc lĩnh vực BHXH, BHYT đòi hỏi phải có tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự.
Nhận định trên của Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam cũng nhận được sự đồng tình của Trưởng phòng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tùng. Theo ông Tùng, dù đã có khung hình phạt cho từng tội danh tuy nhiên các khái niệm về từng tội danh, hành vi chưa rõ, chưa cụ thể nên việc xác định tội danh trong từng trường hợp cụ thể rất khó.
Đơn cử như với tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214), Người thực hiện hành vi phạm tội đã hoàn thành đầy đủ các hồ sơ, thủ tục nhận tiền BHXH, BHTN và đã rút được tiền từ quỹ bảo hiểm mới là chiếm đoạt (cấu thành vật chất). Hay trường hợp người thực hiện hành vi chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm do các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn nhưng đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH, BHTN thì có xác định là chiếm đoạt hay không, hay không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật Hình sự.