Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Đổi mới phương thức tuyên truyền, phát triển đối tượng
Năm 2018 là một năm hoàn thành nhiều công việc lớn của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) với những nỗ lực, cố gắng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Song không vì thế mà chủ quan, bằng lòng với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi chỉ sao nhãng, dừng lại dù một ngày đã là tụt lùi. Năm 2019, đòi hỏi các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ, quyết liệt triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm. Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2019 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.
Dấu ấn trong phát triển đối tượng
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH (trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,45 triệu người, BHXH tự nguyện 271 nghìn người), đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có 12,68 triệu người tham gia BHTN, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Toàn quốc có 83,515 triệu người tham gia BHYT, đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 88,5% (vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg). Hiện toàn quốc cấp được 14,5 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,35% tổng số đối tượng tham gia BHXH.
Để đạt và vượt mức kế hoạch đã đề ra, ngay từ đầu năm 2018, ngành BHXH đã chú trọng rà soát thủ tục hành chính, ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của ngành, kịp thời loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp; thực hiện công bố công khai danh mục 28 thủ tục hành chính mới trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Trang tin điện tử của BHXH các tỉnh; đồng thời, cập nhật lên cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận.
Mặt khác, ngành BHXH cũng không ngừng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình làm tiền đề để cấp số định danh cho người tham gia; để quản lý, sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Tính đến 28/12, BHXH Việt Nam đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến với tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 47,72 triệu hồ sơ.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công tác truyền thông chính sách pháp luật BHXH, BHYT cũng không ngừng được đổi mới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT và BHTN. Ngành cũng phối hợp với các Bộ, ngành; hội, đoàn thể; các cơ quan thông tấn, báo chí nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức.
Đổi mới cách tiếp cận
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đối tượng nhưng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nêu rõ, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và các sở, ngành liên quan ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT vẫn theo cách truyền thống, cần được đổi mới hơn nữa để tiếp cận trực tiếp tới từng người dân, người lao động. Trong đổi mới quy trình giám định BHYT, nhiều BHXH tỉnh còn thụ động, chưa quyết liệt thực hiện.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, từ năm 2019 sẽ có những thay đổi trong việc giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tới các địa phương. Đặc biệt, việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ theo dân số, lực lượng lao động. Do đó, có những địa phương, chỉ tiêu này sẽ cao lên rất nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch, phương pháp quyết liệt mới hoàn thành được.
“Muốn vậy, cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng vùng miền, nhóm đối tượng, thu hút được nhóm đối tượng lao động phi chính thức tham gia BHXH, BHYT. Các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành cần tiếp tục tuyên truyền, biểu dương những gương điển hình trong thực hiên chính sách BHXH, BHYT; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí khác để nắm bắt dư luận, tham mưu cho lãnh đạo ngành nâng cao hiệu quả công tác này” - Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu khẳng định.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cần đặc biệt quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng mở rộng hệ thống đại lý như hệ thống của ngành bưu điện. Việc cập nhật tăng giảm dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cần phải đẩy nhanh tiến độ, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BHTN qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước, qua dịch vụ ATM nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân.
Nhấn mạnh năm 2019, là năm khởi đầu cho việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách BHXH; năm tập trung hoàn thiện hàng loạt các đề án, dự án về công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới phong cách phục vụ theo hướng “hiện đại, chuyên nghiệp tiến tới sự hài lòng của doanh nghiệp người dân”, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tập trung cao độ, quyết liệt triển khai công việc ngay từ những ngày đầu năm 2019, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.