Xử lý hình sự tội phạm lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Loay hoay chờ hướng dẫn

Theo Đỗ Quyên/daibieunhandan.vn

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, sau hơn 1 năm luật có hiệu lực vẫn chưa vụ án nào được khởi tố, dù cơ quan BHXH đã gửi hơn 40 hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ Luật hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành” do BHXH Việt Nam phối hợp với TAND Tối cao tổ chức.

Hành vi phạm tội ngày càng phức tạp

Theo đại diện Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam), công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/12/2018, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 22.364 đơn vị. Trong đó, thanh tra chuyên ngành 8.007 đơn vị; kiểm tra tại 9.240 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 5.117 đơn vị.

Kết quả, đã phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là hơn 125,3 tỷ đồng; 47.393 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng (bao gồm cả lãi) là hơn 53,3 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra nợ (bao gồm cả lãi) là hơn 3.542 tỷ đồng; số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian thanh tra là hơn 1.907 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ đạt 53,83%).

Trước năm 2016, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT gia tăng, xảy ra ở tất cả khâu như lập tờ khai cấp sổ lần đầu, quy trình cấp lại sổ BHXH, ghi và xác nhận thời gian công tác, thời gian tham gia BHXH; thu, nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT; sử dụng khoản tiền đóng góp vào quỹ BHXH, BHYT không đúng quy định.

Từ năm 2016 đến nay, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp, các hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết địa phương với mức độ ngày càng nhiều.

Thường xuyên tư vấn và giải đáp các thắc mắc cho công nhân, luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình thuộc Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và cộng sự cho biết, có trường hợp doanh nghiệp cố tình “lách” luật, không ký hợp đồng lao động cho người lao động để trốn đóng BHXH, BHYT hoặc ký hợp đồng vụ việc để trì hoãn việc tham gia cho người lao động, ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chính sách an sinh thiết thân của người lao động. Nhiều lao động gặp phải tình trạng này nhưng không phải ai cũng dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho mình, do lo sợ chủ sử dụng lao động đuổi việc hoặc tước một số quyền lợi.

Băn khoăn xử lý

Theo đại diện BHXH Việt Nam, từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành, tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, cơ quan BHXH đã cung cấp kịp thời, đầy đủ cho tổ chức công đoàn danh sách, hồ sơ các đơn vị nợ BHXH để phục vụ khởi kiện.

Song, vẫn còn nhiều vướng mắc do quy định về việc ủy quyền của người lao động cũng như quyền khởi kiện của các tổ chức công đoàn trong các văn bản liên quan như Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng Dân sự có nhiều điểm chưa rõ và khó thực hiện.

Mặt khác, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, kể từ khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, ngành BHXH đã chuyển 43 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do thiếu hướng dẫn cụ thể, khiến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn.

Đơn cử như đối với tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hiện vẫn chưa xác định rõ phạm vi BHXH bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hay chỉ riêng BHXH bắt buộc; chưa giải thích thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm cũng như thiếu hướng dẫn cụ thể việc xác định số tiền chiếm đoạt.

Không ít chuyên gia băn khoăn đặt câu hỏi, truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt được số tiền từ 10 triệu đồng trở lên cho mỗi lần thực hiện hay bao gồm cả trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần khác nhau, mỗi lần đều dưới 10 triệu đồng nhưng tổng số tiền chiếm đoạt trên 10 triệu đồng? Hiện pháp luật vẫn chưa quy định rõ chiếm đoạt tiền BHYT đối với những loại chế độ nào, các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng là chi phí gì.

Đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao khẳng định, việc thiếu hướng dẫn cụ thể về khái niệm, tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt trong các điều luật, sẽ dễ dẫn tới thiếu thống nhất trong cách hiểu và cách xử lý. 

Cần sớm ban hành hướng dẫn

Qua thực tiễn thi hành pháp luật hình sự thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam Nguyễn Hòa Bình đề nghị, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm như dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, cần thống nhất cách hiểu khái niệm “trốn đóng”, hành vi “gian dối” và “thủ đoạn khác”; hồ sơ, tài liệu cần thiết phục vụ công tác điều tra tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; quy trình chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an cũng như vai trò cơ quan BHXH trong thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự.

Mặt khác, cần xác định rõ như thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm, hành vi chiếm đoạt này có gì khác với các tội chiếm đoạt khác, tại sao lại tách hành vi chiếm đoạt này ra xử lý bằng tội phạm riêng. Việc xác định thiệt hại dựa trên cơ sở nào, có bao gồm cả chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại như chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi vi phạm và chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm hay không.

Bên cạnh đó, cần phải hướng dẫn cụ thể trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm vừa gây thiệt hại theo mức quy định thì xác định họ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào.

Việc xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội cũng rất quan trọng. Mặc dù Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định không xử lý hình sự đối với tội phạm mới quy định tại Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự đối với hành vi thực hiện trước thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng nên nhắc lại và xác định rõ hướng xử lý bằng biện pháp hành chính hay dân sự. Đối với hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì xác định đây là khoản nợ đọng và giải quyết theo quy định về quản lý thu bảo hiểm.