Bài 1: Khoa học công nghệ phải đi trước một bước
Với nguồn kinh phí không nhỏ được dành cho KHCN, song hiệu quả của các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế không cao và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán, kết quả giám sát vừa qua - cần được chấn chỉnh kịp thời, qua đó có cảnh báo từ sớm đối với một lĩnh vực được coi là “quốc sách”.
Để khoa học, công nghệ là “bệ phóng” cho phát triển kinh tế bền vững
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…”. Điều này cho thấy tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của khoa học, công nghệ (KHCN) trong tiến trình phát triển đất nước.
Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết của Đảng, trong những năm qua, các văn bản và quyết sách được các cấp, các ngành thực thi đều hướng tới mục tiêu “KHCN là quốc sách hàng đầu”. Trong đó, dù nguồn lực có hạn, song Nhà nước luôn chú trọng dành ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này; đồng thời có nhiều chính sách, cơ chế để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào KHCN.
Khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu
Có thể khẳng định, những thành tựu quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua có phần đóng góp hiệu quả của KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là hướng đến bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp 4.0, KHCN được xác định là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất để đất nước tiến tới phát triển nhanh, bền vững, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”
TSKH. Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN - cho rằng, KHCN và đổi mới sáng tạo chưa bao giờ được đề cập sâu sắc và toàn diện trong Văn kiện Đại hội Đảng như Đại hội lần thứ XIII vừa qua. Phương châm xây dựng “3 trụ cột” là thể chế, nhân lực và hạ tầng được đề cập trong Văn kiện Đại hội mang tính chất bao trùm và xuyên suốt. “Riêng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội thông qua có gần 40 lần cụm từ KHCN và đổi mới sáng tạo được nhắc, cùng với các quan điểm, chủ trương coi đây là quốc sách hàng đầu của đất nước” - ông Khải nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 xác định: Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng; là nền tảng thực hiện chuyển đổi số quốc gia...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Đại biểu TP. Hà Nội) đánh giá, hành lang pháp lý về phát triển KHCN ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với thực tế, với việc ban hành Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ… Các chủ trương đầu tư ưu tiên trước một bước được đưa ra đã tạo nguồn lực và sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như từng ngành, lĩnh vực.
Cụ thể hóa chủ trương về đầu tư cho KHCN của Đảng, Nhà nước, việc huy động và sử dụng nguồn lực từ ngân sách mhà nước (NSNN) cho KHCN cơ bản được đảm bảo. Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi sự nghiệp KHCN giai đoạn 2016-2020 đều có xu hướng tăng so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tổng chi của ngân sách Trung ương trung bình chiếm 76,9%; ngân sách địa phương chiếm 23,1%. Tỷ lệ chi sự nghiệp KHCN/tổng dự toán chi NSNN trung bình đạt 0,79%...
Đáng chú ý, ngoài nguồn lực đầu tư từ NSNN, việc thu hút nguồn lực ngoài NSNN cho phát triển KHCN cũng được Nhà nước chú trọng thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội vào KHCN… Qua đó đã góp phần tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu KHCN; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ...
Xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách nhằm tạo dựng trụ cột này. Theo báo cáo của Bộ KHCN, đến nay, cả nước hiện có khoảng 184.430 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, số lượng cán bộ nghiên cứu toàn thời gian/1 vạn dân là 7,6. “Bộ cũng đang xây dựng đề án nhằm thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất cho KHCN nước nhà” - Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Tạo động lực cho tăng trưởng...
Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với quá trình lao động nhiệt huyết, sáng tạo, năng động của đội ngũ các nhà khoa học, lĩnh vực KHCN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Với những cống hiến và lao động lặng thầm của các nhà khoa học, nhiều thành tựu KHCN hiện đại đã được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong thực tiễn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, Việt Nam đã làm chủ công nghệ chế tạo và cung cấp máy sấy phun cà phê hòa tan, với năng suất 25kg/giờ và năng suất 250kg/giờ đáp ứng nhu cầu trong nước và trên thế giới với giá thành sản xuất thấp hơn từ 30-35% so với thiết bị nhập khẩu từ châu Âu. Hay cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng KHCN tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn” đã góp phần làm giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII của Nhà máy từ mức 118% trong năm 2014 xuống mức 103-106% trong các năm 2018, 2019, tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm. Tổng chi phí sản xuất của Nhà máy giảm dần từ mức 7,1 USD/thùng dầu trong năm 2014 xuống còn 4,9 USD/thùng dầu trong năm 2019.
Qua thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đánh giá, trên cơ sở nguồn kinh phí NSNN cấp, nguồn viện trợ, nguồn thu sự nghiệp…, hoạt động KHCN đã đạt được những thành quả quan trọng. Cụ thể như: Nghiên cứu thành công vắc-xin phòng bệnh, góp phần tiết kiệm hàng chục triệu USD nhập khẩu hằng năm; hay trong xây dựng và giao thông vận tải, Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500KV-3x150 MVA với chất lượng tương đương châu Âu, giảm 20% chi phí so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Pháp; từng thiết kế, chế tạo hạ thủy và đưa vào sử dụng thành công giàn khoan hạ năng 90m nước, giá thành giảm từ 10-15 lần so với nhập ngoại… Qua đó khẳng định được vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, những bất cập, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cùng sự lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai đang là rào cản khiến KHCN Việt Nam chưa thể “cất cánh” - Đó là những nội dung sẽ được Báo Kiểm toán đề cập ở kỳ tiếp theo.