Mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ để chống buôn lậu, gian lạn thương mại
Để ngăn chặn, triệt phá kịp thời phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng cần áp dụng mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ để ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các đối tượng.
Bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm pháp luật
Sáng 11/5, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý I/2023 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải nhấn mạnh, trên các tuyến, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp.
Các đối tượng chủ yếu lợi dụng thành lập doanh nghiệp mới, khai báo không đúng số lượng, chủng loại, xuất xứ, điều kiện nhập khẩu, kiểm tra chất lượng hàng hóa để né tránh kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng… Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, các sản phẩm của động vật, pháo nổ, gia súc.
Các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng tập trung vào một số hành vi sau: Không khai báo, khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, tuyến biển, đường mòn, lối mở... để thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.
Trong khi thị trường nội địa, lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, núp bóng mua sắm online qua các trang mạng xã hội, các đối tượng trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng... để mua bán kinh doanh. Lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, các đối tượng tổ chức phát hành, mua bán trái phép hóa đơn...
Nhận diện rõ những phương thức, thủ đoạn trên, thời gian qua, lực lượng chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cụ thể, trong quý I/2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm, giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022; bắt giữ 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022; bắt giữ 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tệ, tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022.
Qua bắt giữ các vụ vi phạm này đã thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng, tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022; khởi tố hình sự 278 vụ việc vi phạm pháp luật.
Trong kết quả chung trên, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có đóng góp tích cực vào công tác này.
Cụ thể, trong quý I/2023, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 1.005 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 5 vụ, kiến nghị khởi tố 3 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 179 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, rà soát, xử lý các đơn vị có giao dịch mua vào, bán ra với 35 doanh nghiệp bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Trong quý I/2023, toàn ngành Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 12.854 doanh nghiệp, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 22.313 tỷ đồng, trong đó, tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4,692 tỷ đồng, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 3.117 tỷ đồng...
Với kết quả trên, ông Lê Thanh Hải nhận định, các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền của từng đơn vị.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương được phát huy cao; nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn một số hạn chế, đó là ở một số nơi, một số khâu, một số đơn vị còn buông lỏng quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức đối với cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ...
Xây dựng “kịch bản” chống buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với tình hình địa bàn
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại; việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yêu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng; nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức online, trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, bưu điện... ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng.
Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Để ứng phó và ngăn chặn kịp thời các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài các giải pháp trên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Định hướng thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi và có những bước phát triển. Trong bối cảnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến hết sức phức tạp.
Qua việc triển khai công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị, đại diện các đơn vị tập trung vào nhận diện thủ đoạn, rút ra những kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị, giải pháp để triển khai hiệu quả hơn công tác này thời gian tới.