Loạt bài: Từng bước "gỡ khó" xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng

Bài 1: Quy định đã có, vẫn khó triển khai đồng bộ

Thùy Linh

Việc triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tìm giải pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này để góp phần cùng ngành Thuế tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Kể từ ngày 1/7/2022, không chỉ riêng ngành xăng dầu, mà tất cả các ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng.
Kể từ ngày 1/7/2022, không chỉ riêng ngành xăng dầu, mà tất cả các ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng.

Quy định bắt buộc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu 

Kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành kinh doanh có đặc thù riêng, số thu từ thuế và phí xăng dầu đã góp phần vào hoàn thành số thu chung của ngành Thuế. Tuy nhiên, những năm qua, việc quản lý thu thuế và quản lý hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thật chặt chẽ.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, kể từ ngày 1/7/2022, không chỉ riêng ngành Kinh doanh xăng dầu, mà tất cả các ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ. Riêng đối với ngành Kinh doanh xăng dầu, Chính phủ có quy định riêng về thời điểm xuất hóa đơn tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán.

Như vậy, mỗi lần bơm xăng cho khách hàng, đồng thời cơ sở kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn cho khách, không phân biệt số lượng, giá trị và khách hàng có lấy hóa đơn hay không. Cơ sở kinh doanh phải lưu trữ đầy đủ dữ liệu hóa đơn từng lần bán hàng và xuất trình cho cơ quan thuế khi có yêu cầu. Đây không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện theo Luật Quản lý thuế mà còn là một trong những điều kiện để được cấp phép và gia hạn cấp phép hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP. 

Mặc dù đã có quy định như trên, đến nay các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn áp dụng phương pháp quản lý bán hàng và xuất hóa đơn theo các quy định cũ tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Lí do các doanh nghiệp đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ triển khai là: cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiết bị cột bơm cũ, không đáp ứng kết nối phần mềm hóa đơn điện tử; chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cơ sở dữ liệu khá lớn, trong đó phải kể đến một số phát sinh đối với doanh nghiệp khi áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng như tăng chi phí nhân sự, lỗi hệ thống, số lượng hóa đơn tăng lên gấp nhiều lần so với trước.

Lí do quan trọng khác mà doanh nghiệp xăng dầu không muốn áp dụng quy định mới của pháp luật đó là tâm lý ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý bán hàng trong khi trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Và không loại trừ có doanh nghiệp xăng dầu sử dụng nguồn xăng dầu nhập lậu, bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc cho bán hóa đơn không hơp pháp, các doanh nghiệp này chắc chắn không muốn thực hiện quy định xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng.

Việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Lợi ích rõ rệt

Theo Tổng cục Thuế, việc các doanh nghiệp thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các cá nhân, hộ kinh doanh lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền) khi mua xăng, dầu nói riêng và mua hàng hóa, dịch vụ nói chung sẽ được đảm bảo quyền lợi tiêu dùng, giúp người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh. Mặt khác, việc lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng hóa, dịch vụ người dân sẽ có cơ hội trúng các giải thưởng có giá trị từ Chương trình “Hóa đơn may mắn” do ngành Thuế thực hiện.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Từ ngày 1/7/2023, tại gần 2.700 cửa hàng thuộc doanh nghiệp này, khi khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được hóa đơn điện tử về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu. Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử từng mặt hàng bán trong ngày. Với việc có sẵn nguồn lực về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ và giải pháp, nên khi triển khai hoá đơn điện tử, Petrolimex nhận được sự ủng hộ từ khách hàng, các doanh nghiệp vận tải đường dài và các hãng taxi.

Tại Ninh Bình, Công ty TNHH Thương mại Gia Viễn là một trong doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện tạo lập và xuất hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Ông Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Công ty cho biết: "Công ty TNHH Thương mại Gia Viễn đã ứng dụng phần mềm giải pháp của VNPT Ninh Bình; đầu tư hệ thống bơm xăng hiện đại; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên bán xăng thực hiện các quy trình, thao tác tạo lập và xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán. Sau khi triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đã giúp quản lý doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thống kê số liệu chính xác về số lít, chủng loại hàng, theo từng ca bán trên máy chủ. Theo đó, sau mỗi lần bán hàng, dù người mua chỉ 1-2 lít xăng, dầu, nhưng hệ thống tại cây xăng, dầu sẽ tự động kết nối xuất hóa đơn điện tử. Như vậy, người mua hàng dù lấy hay không lấy hóa đơn thì hóa đơn vẫn được xuất và cơ quan thuế sẽ quản lý đầy đủ doanh số, hóa đơn.

Ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình (Hà Nội) cho biết, qua quá trình thực hiện xuất hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, quan trọng nhất là cần xây dựng một kế hoạch triển khai thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng, đào tạo và tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền tới khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tăng cường kiểm tra, kiểm sát để có những hướng dẫn đội ngũ nhân viên và khách hàng thực hiện đúng ngay từ những giai đoạn đầu. Lợi ích của việc xuất hóa đơn điện tử trong từng lần bán hàng giúp các đơn vị kiểm soát, kiểm tra dữ liệu được một cách minh bạch, ngay tức thì. Đối với khách hàng, khách hàng sẽ kiểm soát được hàng mà mình đã mua".

Có thể thấy, dù bước đầu triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu còn nhiều khó khăn nhưng đây là yêu cầu bắt buộc cần phải thực hiện trong năm 2024. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cũng như bản thân doanh nghiệp cần có giải pháp phù hợp nhằm từng bước tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, đảm bảo thực hiện thành công, hiệu quả chủ trương xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quy định liên quan.

 

Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.” Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: “Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.” Như vậy, cứ sau mỗi lần bán hàng, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn cho khách hàng, không phân biệt số lượng, giá trị nhiều hay ít, không phân biệt người mua hàng có lấy hóa đơn hay không.