Tập đoàn Bảo Việt với triết lý kinh doanh gắn liền với phát triển bền vững

Bài 2: Bảo Việt định hướng phát triển bền vững - cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường

Đảng bộ Tập đoàn Bảo Việt

Lời giới thiệu: Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của mọi chính sách phát triển và trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai. Chính phủ Việt Nam bên cạnh ưu tiên phát triển kinh tế cũng đồng thời khẳng định sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải xác định được một cách thuyết phục các mục tiêu về phát triển bền vững, đồng thời phải thiết lập các công cụ quản lý phù hợp (thể chế) và kêu gọi sự đồng lòng của các doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra. Thấm nhuần tinh thần ấy, Đảng bộ Tập đoàn Bảo Việt đã chủ động nắm bắt, đi trước đón đầu, vận dụng sáng tạo các chủ trương đường lối của Đảng, nêu cao quyết tâm chính trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh gắn với phát triển bền vững.

Trong năm 2023, để chủ động thích ứng và hiện thực hóa cam kết thành hành động trong việc ứng dụng công nghệ nhằm giảm phát thải trong hoạt động kinh doanh và đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Bảo Việt đã đề ra phương châm kinh doanh phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2050 và cho tới nay, sau 3 năm triển khai đã gặt hái được nhiều kết quả đặc biệt.

Vượt ra ngoài mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận và tối đa hóa các giá trị đem lại cho cổ đông, với vai trò là định chế tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Bảo Việt đồng thời nhận thấy sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên, sự phát triển mất cân đối trong xã hội tạo ra các ảnh hưởng mang tính hệ thống và từ đó tác động ngược trở lại, hạn chế các hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Bài 2: Bảo Việt định hướng phát triển bền vững - cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường - Ảnh 1

Vì vậy, chiến lược phát triển bền vững của Bảo Việt tập trung vào việc thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế vững chắc trong dài hạn, kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Bên cạnh đó, bằng việc ưu tiên các sáng kiến bền vững, Bảo Việt cũng là doanh nghiệp đầu tiên công bố các số liệu về khí thải nhà kính (GHG Emission) và đã thành công giảm đáng kể lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng từng bước quan tâm hơn đến việc nâng cao chính sách đa dạng và bình đẳng tại nơi làm việc và trong Hội đồng quản trị, hay đầu tư tâm sức hơn vào việc quản trị rủi ro phát triển bền vững, chiến lược kinh doanh và đầu tư xanh đang vẫn còn rất mới đối với các doanh nghiệp Việt.

Từ câu chuyện đồng hành của Bảo Việt…

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các tác động trực tiếp đến môi trường trong quá trình vận hành của Bảo Việt là không đáng kể. Song Bảo Việt hiểu rằng việc giám sát quá trình sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường và triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là những hành động nhỏ nhưng vô cùng cần thiết giúp xanh hóa hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường chung của cộng đồng.

Bài 2: Bảo Việt định hướng phát triển bền vững - cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường - Ảnh 2

Các bên liên quan là những đối tác quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Bảo Việt. Những phản hồi từ các bên liên quan là nguồn thông tin quý giá để chúng tôi tiếp tục phát triển và củng cố hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các bên liên quan dựa trên việc quan tâm đáp ứng lợi ích lâu dài cho các bên; mối quan hệ này được duy trì dựa trên sự tin cậy, tính minh bạch và đề cao chuẩn mực đạo đức của Bảo Việt.

Với tôn chỉ mang đến cho mọi người một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và tốt đẹp hơn cùng thông điệp “Sống khỏe cùng Bảo Việt”, Bảo Việt mong muốn lan tỏa các hoạt động giúp con người quý trọng sức khỏe, đồng thời khắc họa hình ảnh thương hiệu Bảo Việt - đại diện cho một thương hiệu uy tín, khỏe mạnh, phát triển bền vững và luôn đồng hành cùng cổ đông, người lao động, khách hàng và cộng đồng trong tiến trình thúc đẩy những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe.

Bảo Việt ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng nên hệ sinh thái tài chính – bảo hiểm số, lấy khách hàng làm trung tâm. Bảo Việt đã liên tục có những bước đột phá, tăng cường đầu tư và củng cố nền tảng công nghệ thông tin để phát triển và mở rộng mạng lưới phục vụ, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.

Hiện nay, Bảo Việt đã đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh của toàn hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu chuỗi sản phẩm tích hợp đa dạng và ưu đãi vượt trội cho khách hàng nhằm giữ vững vai trò doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. Bảo Việt sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để hoàn thiện hệ thống Công nghệ thông tin, nắm bắt, ứng dụng kịp thời những xu thế công nghệ mới đang thịnh hành trên thế giới, tạo nền tảng để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin, thực sự đưa Công nghệ thông tin là thế mạnh của Bảo Việt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thời đại mới, thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.

Bài 2: Bảo Việt định hướng phát triển bền vững - cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường - Ảnh 3

Bảo Việt đầu tư phát triển các sản phẩm vi mô như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm học sinh nhằm giúp khách hàng thu nhập thấp, ở các khu vực nông thôn có thể tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm cho cuộc sống và hoạt động sản xuất, nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bảo Việt cũng san sẻ với xã hội khi nghiên cứu và phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định của người lao động sau khi về hưu, gắn kết doanh nghiệp với người lao động đồng thời góp phần giảm bớt áp lực về ngân sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước; các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch với mong muốn chia sẻ gánh nặng tài chính với người bệnh, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Theo báo cáo Tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2022 của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm ước đạt 177.303 tỷ đồng và Bảo Việt vẫn là đơn vị dẫn đầu trên số liệu tổng doanh thu phí với ước tính đóng góp trên 22,7% tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm.

Câu hỏi thường được đặt ra đối với không ít cấp ủy trong doanh nghiệp là, tại sao doanh nghiệp phải phát triển bền vững? Nhìn vào sự đóng góp của Tập đoàn Bảo Việt có thể thấy vai trò đáng kể của doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam.

Không những trụ vững trong đại dịch, Bảo Việt còn duy trì sự tăng trưởng đều qua các năm: Nếu như năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất đạt 48.999 tỷ đồng, bằng 109% kế hoạch năm, tăng trưởng 9,2% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.650 tỷ đồng, bằng 139,8% kế hoạch năm, tăng trưởng 32,8% so với năm 2019; nộp Ngân sách Nhà nước 1.606 tỷ đồng, thì 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 42.777 tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch năm, tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 1.428 tỷ đồng, bằng 86,5% kế hoạch năm, tăng trưởng 14,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, thì Bảo Việt vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định, vững chắc qua các năm. Theo đồng chí Nguyễn Đình An - thành viên Hội đồng quản trị, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, những “con số biết nói” ấy, đã thể hiện rõ nét sự đúng đắn trong định hướng phát triển bền vững của Bảo Việt trong suốt những năm qua.

Bảo Việt cũng thực hiện đầu tư vào các dự án vì cộng đồng vì chúng tôi xác định các hoạt động vì cộng đồng là đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp. Chúng tôi thay mặt cho các cổ đông, thực hiện các dự án phát triển cộng đồng nhằm tối đa hóa giá trị của các dự án cộng đồng mang lại cho người dân địa phương và gia tăng mức độ ảnh hưởng tích cực của Bảo Việt tại địa phương.

… Đến những giải pháp phát triển bền vững

Từ những thực tế và kinh nghiệm rút ra trên chặng đường Bảo Việt đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Bảo Việt cho rằng cả doanh nghiệp và Chính phủ cần tiếp tục duy trì phát huy vai trò quan trọng của mình bằng những điểm sau:

Thứ nhất, Chính phủ thiết lập những khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Chính phủ bằng việc ban hành thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp sẽ đóng vai trò tạo dựng môi trường khuyến khích xanh hóa nền kinh tế. Khuôn khổ pháp lý được thiết kế phù hợp có thể xác định quyền và tạo động lực định hướng hoạt động kinh tế xanh, cũng như loại bỏ rào cản đối với các khoản đầu tư xanh và điều tiết những hành vi thiếu bền vững gây phương hại tới môi trường, bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc ngăn cấm hoàn toàn một số hoạt động. Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong kinh doanh cũng như gia tăng độ tin cậy của nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, phát triển thị trường. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi những tiêu chuẩn, nhất là những tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường, trở nên rõ ràng, cụ thể và được thực thi một cách hiệu quả; khi đó, các doanh nghiệp sẽ có chung một mặt bằng/môi trường công bằng để cạnh tranh, tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp không tuân thủ. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Chính phủ cần xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm kinh tế - kỹ thuật, các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường cho từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế; triển khai những khoản trợ cấp xanh như biện pháp hỗ trợ giá, ưu đãi thuế, trợ cấp trực tiếp và hỗ trợ vay vốn có thể là đòn bẩy mạnh mẽ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo những tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, có cơ chế phù hợp để khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu. Đây là những định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, Chính phủ sử dụng chính sách thuế, các công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư xanh và cải tiến công nghệ. Thuế và các công cụ dựa vào thị trường là một phương thức hiệu quả nhằm kích thích đầu tư. Hiện tượng giá cả bị sai lệch thường làm nản lòng các nỗ lực đầu tư xanh hoặc không khuyến khích việc mở rộng quy mô đầu tư xanh. Trong một số lĩnh vực kinh tế, ví dụ ngành giao thông vận tải, các tác động ngoại biên tiêu cực như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc giảm năng suất lao động... thường không được chú trọng phản ánh trong chi phí hoạt động; do đó, không khuyến khích việc chuyển đổi sang sử dụng các loại hàng hóa và dịch vụ có tính chất bền vững hơn. Vì vậy, cần tính toán đầy đủ cả các chi phí do tác động ngoại biên vào giá cả hàng hóa/dịch vụ thông qua công cụ thuế, phí hoặc sử dụng các công cụ thị trường khác.

Thứ ba, Chính phủ cần chú trọng đầu tư vào việc nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan chức năng. Sự thành bại trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, suy cho cùng, đều xuất phát từ năng lực quản trị của cơ quan hữu quan, trong đó, nhân tố con người giữ vai trò quyết định. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực của các cơ quan chức năng về các kỹ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội và ưu tiên cho các hoạt động, huy động nguồn lực, thực hiện chính sách và đánh giá tiến độ. Để duy trì động lực của giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Chính phủ cần phải lượng hóa, đo lường được những tiến bộ đạt được. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được bộ chỉ số, thu thập dữ liệu, phân tích và diễn giải kết quả để định hướng phát triển, hoàn thiện chính sách. Những yêu cầu nêu trên đòi hỏi bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức phải có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu hoạch định và ban hành chính sách; tổ chức thực hiện chính sách; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm... Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, công chức phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.

Thứ tư, Chính phủ duy trì, bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Quy mô tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là rất lớn, có thể huy động nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng các chính sách tài chính công thông minh và cơ chế tài chính sáng tạo. Tốc độ tăng trưởng của thị trường vốn, các định hướng phát triển xanh của thị trường này, sự phát triển của các công cụ thị trường mới nổi như tài chính cacbon, tài chính vi mô và các quỹ kích thích xanh ứng phó với suy thoái kinh tế những năm gần đây đã và đang mở ra không gian rộng cho nguồn tài chính phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, những nguồn vốn này vẫn còn khiêm tốn so với tổng khối lượng yêu cầu nên cần được tiếp tục phát triển, nhân rộng.

Thứ năm, Doanh nghiệp mở rộng đầu tư và chi tiêu cho những lĩnh vực/hoạt động kích thích xanh hóa nền kinh tế. Đó là các khoản ưu tiên đầu tư để thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, tài nguyên truyền thống. Trong cơ cấu tài chính - ngân sách hàng năm, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong tổng yêu cầu sử dụng năng lượng của quốc gia; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó cần hạn chế đầu tư, chi tiêu trong những lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt nguồn lực tự nhiên. Nhiều quốc gia đã phải trả những khoản chi phí đáng kể về kinh tế và môi trường vì các khoản đầu tư, chi tiêu, trợ cấp không hợp lý; bởi lẽ, việc nhận được trợ cấp sẽ khuyến khích hoạt động tiêu dùng không hiệu quả, lãng phí, quá nhu cầu, từ đó dẫn đến khan hiếm các nguồn tài nguyên hữu hạn, có giá trị hoặc làm suy thoái các tài nguyên tái tạo và suy thoái hệ sinh thái sớm hơn dự tính.

Thứ sáu, Doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Các thỏa thuận quốc tế về môi trường đã và đang tạo điều kiện và kích thích quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chẳng hạn, các thỏa thuận đa phương về môi trường (Multilateral environmental agreements - MEAs) đã thiết lập các khuôn khổ pháp luật và thể chế mang tính quốc tế để giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động kinh tế xanh. Ví dụ, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được công nhận rộng rãi là một trong những thỏa thuận đa phương về bảo vệ môi trường thành công nhất. Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã kích thích một lĩnh vực kinh tế tăng trưởng như công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết vấn đề phát thải khí thải nhà kính...  Trong khuôn khổ các thỏa thuận đa phương đó, Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng các Doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy, phục vụ phát triển kinh tế xanh.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, sánh ngang cùng các cường quốc năm châu.

Theo đó, những hành động đến từ cộng đồng doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy các dự án liên quan, cả bằng cách giảm phát thải trong các hoạt động của chính mình, tái chế trong quá trình sản xuất và bằng cách phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường mới có thể giúp giảm hay ngăn ngừa phát thải.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp luôn tiên phong trong các hoạt động về phát triển bền vững là Tập đoàn Bảo Việt - Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành Tài chính - Bảo hiểm có tên trong bảng Xếp hạng doanh nghiệp bền vững toàn cầu (Corporate Sustianability Assessment – CSA) do S&P Global đánh giá. Bảo Việt cũng là một cái tên nổi bật, luôn tiên phong trong các hoạt động về phát triển bền vững và được xếp hạng trong TOP 10 Doanh nghiệp bền vững hàng đầu tại Việt Nam. Việc góp mặt trong bảng xếp hạng quốc tế đã thể hiện được giá trị, phương châm kinh doanh bền vững và vị thế của một Tập đoàn hàng đầu như Bảo Việt nói chung và vai trò thúc đẩy xu hướng kinh doanh bền vững của doanh nghiệp trên thị trường.

Với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các tác động trực tiếp đến môi trường trong quá trình vận hành của Tập đoàn Bảo Việt là không đáng kể. Song Bảo Việt hiểu rằng việc giám sát quá trình sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường và triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là những hành động nhỏ nhưng vô cùng cần thiết giúp xanh hóa hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường chung của cộng đồng.

Việc triển khai định hướng phát triển bền vững tại Tập đoàn Bảo Việt, từ chủ trương của Đảng ủy cho tới các cấp ủy đảng là một bài học quý báu về cách kết hợp tầm nhìn chiến lược, cam kết với môi trường và xã hội, và khả năng thích nghi trong một thế giới thay đổi. Hy vọng rằng các doanh nghiệp khác cũng sẽ tìm thấy cơ hội và khả năng để bắt kịp xu hướng này, để chúng ta cùng hướng tới một tương lai bền vững, với kinh doanh không chỉ vì lợi ích riêng mà còn vì lợi ích chung của cộng đồng và hành tinh này.