Loạt bài: Nâng cao chất lượng công bố thông tin doanh nghiệp niêm yết

Bài 2: Chất lượng công bố thông tin khẳng định văn hoá và năng lực của doanh nghiệp

Minh Lâm

Minh bạch thông tin chính là thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng cổ đông, nhà đầu tư, đồng thời khẳng định được văn hóa, năng lực về trí tuệ, kinh nghiệm, tài chính, công nghệ thông tin... của doanh nghiệp.

Minh bạch thông tin giúp xây dựng niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư.
Minh bạch thông tin giúp xây dựng niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư.

Ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng nhà đầu tư

Thời gian qua, Chính phủ đã định vị rõ thị trường chứng khoán có vai trò chiến lược, là kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển kinh tế, trong đó, tiêu chí phát triển thị trường bền vững, lành mạnh và an toàn luôn được nhấn mạnh tập trung tối đa.

Theo đó, để phát triển thị trường chứng khoán bền vững và có đủ sức cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, việc xây dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư là yếu tố then chốt. Vấn đề minh bạch thông tin trao đổi 2 chiều là tối quan trọng quyết định sự thành công của thị trường, là một trong những điểm mấu chốt quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các bên tham gia thị trường.

Theo quy định của pháp luật, công bố thông tin là nghĩa vụ của doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng, là thủ tục bắt buộc công ty cổ phần phải thực hiện khi thành lập công ty cổ phần hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh, đồng thời, thông báo các thông tin về hoạt động của công ty đến các cơ quan chức năng, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan. Luật Chứng khoán năm 2019 quy định khá đầy đủ, chi tiết, rõ ràng về các nguyên tắc công bố thông tin của thị trường chứng khoán.

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, việc tuân thủ công bố thông tin, minh bạch thông tin của doanh nghiệp một phần phụ thuộc vào ý thức chủ quan của doanh nghiệp. Nếu có ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc công bố thông tin và minh bạch thông tin, doanh nghiệp sẽ xây dựng và duy trì một văn hóa tôn trọng và đề cao giá trị minh bạch, đáp ứng đúng quy định pháp luật và các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, một yếu tố khác ảnh hưởng đến tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp là mức độ hợp tác với cơ quan quản lý trong việc giám sát chéo đối với hoạt động của doanh nghiệp và năng lực, chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ bên thứ ba như kiểm toán, định hạng tín nhiệm...

Tuy nhiên, việc công bố thông tin và ý thức của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tương đồng, song hành cùng nhau. Có một thực tế tồn tại, công bố thông tin là một nghĩa vụ nhưng không ít doanh nghiệp tìm cách đối phó, né tránh, thậm chí trì hoãn công bố thông tin. Thông thường, doanh nghiệp không bao giờ muốn công bố thông tin không tốt, tiêu cực của mình, hoặc cố tình công bố sai thời điểm, gây ra hậu quả khó lường tới thị trường, làm thiệt hại tài sản của cổ đông, nhà đầu tư.

“Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực về minh bạch và trung thực đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng công bố thông tin. Doanh nghiệp cần xác định đây là nhu cầu thiết yếu, nội tại của chính họ, chứ không chỉ phục vụ cho cơ quan giám sát, quản lý, phục vụ cho thị trường và nhà đầu tư”, ông Quỳnh nhận định.

Thước đo năng lực của doanh nghiệp

Trao đổi thêm với Tạp chí Tài chính, ông Quỳnh cho biết, muốn tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin, vượt lên trên sự tuân thủ, doanh nghiệp phải có nhận thức tốt, có văn hoá doanh nghiệp, song song với đó, cũng cần có trình độ, đội ngũ cán bộ đủ năng lực, có sự tích luỹ về mặt tài chính, đầu tư về mặt công nghệ, đầu tư về hạ tầng.

“Chất lượng công bố thông tin không phải cứ muốn mà có được. Doanh nghiệp phải có sự đầu tư, đảm bảo đủ năng lực về trí tuệ, kinh nghiệm, vật chất, công nghệ và trình độ nhân sự”, ông Quỳnh nói.

Ông Quỳnh cho rằng, tính minh bạch thông tin không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là sự cam kết của doanh nghiệp đối với công chúng và các bên liên quan. Một doanh nghiệp có năng lực tốt trong việc công bố thông tin thường có những hệ thống và quy trình quản lý thông tin chặt chẽ, đảm bảo tính kịp thời và chính xác của thông tin được công bố. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư và phát triển năng lực trong việc thu thập, xử lý và báo cáo thông tin tài chính, phục vụ cho công tác điều hành.

Năng lực của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức độ về công nghệ và hệ thống thông tin mà còn liên quan đến nhân sự và quy trình quản lý nội bộ. Nhân viên cần được đào tạo để hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chứng minh tính minh bạch thông tin và cũng như quy trình nội bộ để đảm bảo tính chính xác và đúng thời hạn của thông tin được công bố.

Quy trình quản lý nội bộ là một phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc thiết lập các nguyên tắc kiểm soát nội bộ, sự chia sẻ trách nhiệm rõ ràng và quy trình kiểm tra thông tin trước khi công bố. Các doanh nghiệp mạnh về năng lực thường có các quy trình kiểm soát nội bộ rất chặt chẽ để đảm bảo rằng thông tin được công bố là chính xác và đáng tin cậy.

“Vì vậy, chất lượng công bố thông tin cũng chính là thước đo văn hoá và năng lực của một doanh nghiệp, là cơ sở củng cố sự tin cậy của cổ đông, nhà đầu tư và nhân viên, cũng như có tác động lớn đến khả năng thu hút vốn đầu tư và duy trì nhân tài”, ông Quỳnh chia sẻ.