Loạt bài: Ổn định thị trường vàng, vững tâm lý người đầu tư

Bài 2: Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng

Tuấn Thủy

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ vai trò độc quyền phát hành vàng, kiểm soát kinh doanh vàng, theo Luật sư Lương Huy Hà.

Nhiều năm nay, vàng luôn là chủ đề nóng do biến động giá không ngừng. Đặc biệt, giá vàng trong nước thường xuyên neo cao, giữ khoảng cách lớn với giá vàng thế giới, chênh lệch tới 15-20 triệu đồng/lượng. Luật sư Lương Huy Hà – Giám đốc Công ty Luật Lawkey đã có những trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính xung quanh loại hình tài sản này.

Luật sư Lương Huy Hà - Giám đốc Công ty Luật Lawkey.
Luật sư Lương Huy Hà - Giám đốc Công ty Luật Lawkey.

Phóng viên: Xin ông cho biết các quy định của pháp luật liên quan đến vàng trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay?

Luật sư Lương Huy Hà: Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng.

Còn khái niệm tiền tệ từng được quy định rõ ở Luật NHNN Việt Nam năm 1997, sửa đổi bổ sung năm 2003: Tiền tệ là phương tiện thanh toán, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá như tiền. Quy định giải thích này đã bị bỏ trong Luật NHNN Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tiền tệ là phương tiện thanh toán, do NHNN phát hành, quản lý chính sách về tiền tệ. Mà theo quy định trên thì vàng không được phép sử dụng làm phương tiện thanh toán, do đó, vàng không thể là tiền tệ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005: Hàng hóa bao gồm: Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; Những vật gắn liền với đất đai. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.”

Với những lập luận trên, có thể hiểu vàng là một loại hàng hóa. Tuy nhiên, vàng là một loại hàng hoá đặc biệt, được nhà nước quản lý về hoạt động kinh doanh.

Phóng viên: Như vậy, cũng có thể hiểu, đó là một trong những lý do Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành nhằm chống “vàng hóa” tiền tệ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ loại hình hàng hóa đặc biệt này. Vậy, Luật sư có đánh giá thế nào về hiệu quả chính sách của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP thời gian qua?

Luật sư Lương Huy Hà: Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2012, bước đầu đạt được những thành công đáng kể trong thị trường vàng, cụ thể:

Thứ nhất, không còn xảy ra hiện tượng “sốt” vàng khiến người dân đổ xô đi mua khi giá biến động mạnh, sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước được thu hẹp đáng kể, giá vàng trong nước đã dần ổn định trở lại.

Thứ hai, bằng việc thực hiện chính sách chống “vàng hóa” nền kinh tế, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, vì vậy, vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến trong giao dịch như trước đây. Do đó, mục tiêu can thiệp bình ổn thị trường vàng của NHNN đã từng bước được thực hiện với kết quả khả quan.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thị trường vàng quốc tế diễn biến ngày càng khó lường, việc quản lý thị trường vàng trong nước trong giai đoạn tới cần phải tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, loại bỏ tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định vĩ mô.

Phóng viên: Tuy nhiên, cơ chế quản lý độc quyền đối với vàng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ý kiến của ông thì sao?

Luật sư Lương Huy Hà: Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, NHNN là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng và quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng cũng gặp khó khăn khi nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, dẫn đến thị trường vàng cũng dần xuất hiện những biến động mạnh - nổi bật nhất là tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Điều này cho thấy cơ chế quản lý độc quyền của Nhà nước đang bộc lộ những bất cập rõ nét trong thời gian gần đây.

Sự chênh lệch đáng kể giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường. Thực tế là người dân phải mua vàng với giá cao trong nước, trong khi Nhà nước lại độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn lậu và đầu cơ vàng, làm gia tăng sự không ổn định và khó kiểm soát trên thị trường, dẫn đến hậu quả có thể gây thất thoát về ngoại tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ giá.

Bên cạnh đó, chính sách độc quyền đã làm cho vàng miếng SJC (thương hiệu vàng miếng quốc gia) chiếm thế độc tôn, dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước, dù có thể chất lượng cùng 9999 như nhau. Cơ chế quản lý vàng thông qua độc quyền của Nhà nước ảnh hưởng đến tính linh hoạt và cạnh tranh trên thị trường, có thể tạo ra lo ngại cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Phóng viên: Vậy, ông có đề xuất giải pháp gì để vừa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường vừa đảm bảo an toàn, chống “vàng hóa” nền kinh tế?

Những quy định điều tiết hoạt động kinh doanh vàng trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã bước đầu tạo lập được hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường vàng. Tuy nhiên, khuôn khổ này chỉ phù hợp với thị trường “bình lặng” của những năm trước đây, khi giá vàng trong nước có tăng nhưng chênh lệch so với giá vàng thế giới không lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh cơ chế quản lý kinh doanh vàng là cần thiết. Trước tiên, cần sửa đổi một số quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thị trường hiện nay. Theo đó, nên bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.

Nói cách khác, NHNN chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, giám sát chất lượng sản xuất vàng miếng thay vì giữ vai trò độc quyền như hiện tại. Đồng thời, cần đảm bảo sự liên kết giữa thị trường trong nước và quốc tế để giảm thiểu những bất cập về giá vàng trong nước hiện nay.

Nhà nước có thể đứng ra nhập khẩu vàng chính thức, đấu thầu và sau đó phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất tùy theo quy mô và năng lực. Điều này giúp Nhà nước quản lý nguồn vàng một cách chủ động và đồng thời cân đối tỷ giá ngoại tệ, ngăn chặn việc thu gom ngoại tệ thông qua việc nhập vàng lậu, từ đó giúp ổn định tỷ giá. Lập sàn vàng cũng là một phương thức quản lý vàng hiệu quả đã được nhiều quốc gia áp dụng và được các chuyên gia tài chính tiền tệ đề xuất từ lâu.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư!